Giữ ngôn ngữ dân tộc thiểu số thời 4.0

Trong làn sóng hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, tiếng nói và chữ viết các dân tộc thiểu số Việt Nam (DTTS) đang có nguy cơ mai một, suy vong.

Cần giữ gìn ngôn ngữ song song với việc bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: ANH QUÂN
Cần giữ gìn ngôn ngữ song song với việc bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: ANH QUÂN

1/PGS, TS Tạ Văn Thông (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) một chuyên gia lâu năm về ngôn ngữ các DTTS cảnh báo: Trong xu thế toàn cầu hóa, nhất là tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nguy cơ mai một, tiêu vong của ngôn ngữ các DTTS (rất ít người) đang hiện hữu ở tương lai gần.

Sự tiêu vong của ngôn ngữ các DTTS cũng đang thu hút sự quan tâm của giới ngôn ngữ học, lãnh đạo các quốc gia và các tổ chức văn hóa, giáo dục quốc tế. Ở Việt Nam hơn 35 năm qua, ngành Ngôn ngữ học với các tên tuổi như GS Đoàn Thiện Thuật, GS Phạm Đức Dương, PGS Hoàng Văn Ma, GS Nguyễn Văn Lợi, PGS Tạ Văn Thông… đã đi từ phạm vi hẹp đến quy mô rộng về ngôn ngữ các DTTS ở nước ta. Hàng loạt công trình như “Dự án điều tra tổng thể ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam”, “Điều tra nghiên cứu ngôn ngữ DTTS góp phần xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam”, “Tiếng Dao ở Việt Nam”, “Vấn đề giáo dục tiếng mẹ đẻ đối với cư dân sử dụng các ngôn ngữ nhóm Chăm ở Việt Nam hiện nay”. Các cuốn từ điển song ngữ, đa ngữ như “Từ điển Việt - Mông”, “Từ điển Tày - Nùng - Việt”… đã và đang góp phần vào việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở địa bàn vùng cao, vùng xa ở nước ta.

2/Tuy nhiên, trong 53 DTTS trên cả nước, bên cạnh các dân tộc có số dân khá đông như Thái, H’Mông, Tày, Dao, Mường, Ê Đê, Ba Na, Chăm… đã có chữ viết và được nghiên cứu thì hàng chục DTTS rất ít người khác ít được quan tâm đề cập. Chẳng hạn một số dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người như Pà Thẻn, Chứt, Mảng, Cống, Pu Péo, Brâu, Ơ Đu… sinh sống ở vùng cao phía bắc, hay địa bàn rừng núi Tây Nguyên. PGS Tạ Văn Thông gần 40 năm điền dã đến các vùng sâu heo hút của Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Quảng Nam cũng như nơi bản làng xa thẳm thuộc Lâm Đồng, Kon Tum, ông cho rằng, có tình trạng một số dân tộc rất ít người sử dụng pha trộn các ngôn ngữ khác nhau như người Chứt vừa nói tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt và tiếng Lào; người Lô Lô nói tiếng bản ngữ, tiếng Việt và tiếng Hoa, thậm chí người Ơ Đu, người Xing Mun bỏ tiếng mẹ đẻ mà chuyển sang tiếng Việt và tiếng Thái. Ấy là chưa nói một số dân tộc không có chữ viết hoặc có chữ cổ nhưng ít được sử dụng và không được truyền dạy cho các thế hệ con cháu. Rõ ràng đây là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các ngôn ngữ DTTS rất ít người ở Việt Nam. 

Những năm qua, ở nước ta một số ngôn ngữ DTTS như H’Mông, Thái, Chăm, Khơ Me, Xơ Đăng… đã được đưa vào giảng dạy ở 30 tỉnh, thành phố dưới các hình thức khác nhau. Đồng thời, các ngôn ngữ này từng bước được sử dụng trên VOV4 và VTV5. Song ngôn ngữ các dân tộc rất ít người (Lô Lô, Pà Thẻn, Cờ Lao, Bố Y, Pu Péo, Rơ Măm…) dường như bị lãng quên dù chỉ ở dạng khẩu ngữ trong một phạm vi nhất định. Điều đó đặt ra vấn đề: Khẩn trương nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc ngôn ngữ các DTTS rất ít người ở Việt Nam. 

3/Các cơ quan chức năng, trước hết là ngành ngôn ngữ học cần kịp thời điều tra, nghiên cứu, xác định và phân loại các ngôn ngữ DTTS rất ít người có nguy cơ mai một, suy vong. Từ đó, xây dựng các đề tài, dự án chuyên biệt nhằm nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện hơn về cấu trúc ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa và ngữ pháp của các dân tộc đã nêu. Trên cơ sở đó cải tiến và xây dựng hệ thống chữ viết, biên soạn các tài liệu công cụ như sách giáo khoa, từ điển đối với ngôn ngữ các dân tộc đang gặp nguy cơ đe dọa. 

Trong làn sóng của cuộc cách mạng 4.0, một mặt cần xúc tiến thu thập và số hóa ngôn ngữ các DTTS, đặc biệt là các dân tộc rất ít người; mặt khác ngành giáo dục cần đưa các ngôn ngữ dân tộc có nguy cơ mai một vào truyền dạy trong hệ thống trường học tại các địa phương miền núi có các DTTS sinh sống. Và hơn ai hết, cần tuyên truyền, khuyến khích để mỗi người dân tại các bản, mường, phum, sóc có ý thức sử dụng, bảo tồn ngôn ngữ dân tộc mình, đừng để vài chục năm nữa tiếng “mẹ đẻ” chỉ còn trong ký ức…