“Thay da, đổi thịt”
Dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh long rộng 0,3 ha đang ra trái, bà Nguyễn Thị Lựu, ấp Xóm Rẫy, xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ dân nơi đây trồng lúa nhưng năng suất thấp cho nên hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ khi có chủ trương của Nhà nước về việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, nhân dân mạnh dạn chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Lúc đầu trồng ai cũng nghi ngờ vì vùng đất này phải hứng chịu cảnh hạn, mặn hằng năm. Tuy nhiên, qua ba năm trồng, thanh long cho thu nhập gấp năm lần trồng lúa. Đời sống đã khá hơn”.
Trở lại các xã bãi ngang ven biển của huyện Gò Công Đông trong những ngày Tết đến, Xuân về, chắc hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng vì sự đổi thay nhanh chóng. Các tuyến đường liên ấp, liên xã ngày nào nắng bụi, mưa lầy thì nay được rải nhựa, bê-tông. Chính quyền vận động nhân dân cùng trồng hoa dọc các tuyến đường đông dân cư, tạo nên môi trường xanh - sạch - đẹp… Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết, trong thời gian qua, huyện thực hiện khá nhiều mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã, thị trấn, nhất là các xã bãi ngang, ven biển. Trong đó, mô hình ánh sáng quang được thực hiện trên 270 tuyến đường dân sinh, với gần 7.500 bóng đèn. Việc thực hiện mô hình đã tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi vào ban đêm, giảm tình trạng trộm cắp và tai nạn giao thông. Mô hình tuyến đường hoa cũng được các ngành, đoàn thể ở địa phương thực hiện khá mạnh. Đến nay, huyện có 40 tuyến đường hoa, với tổng chiều dài gần 44,5 km…
Trong số 11 xã bãi ngang, ven biển của tỉnh Tiền Giang, thị xã Gò Công có hai xã (Bình Xuân, Bình Đông); huyện Gò Công Đông có ba xã (Kiểng Phước, Gia Thuận, Phước Trung) và huyện Tân Phú Đông có sáu xã (Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Tân, Tân Thạnh, Phú Đông). Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đối với các xã đặc biệt vùng khó khăn bãi ngang ven biển và hải đảo, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ, trẻ em ở các xã bãi ngang ven biển như: ưu đãi về tín dụng, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, vệ sinh môi trường và nước sạch, tiền điện, trợ giúp pháp lý, đào tạo nghề và tạo việc làm… Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cả hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang đã tập trung quan tâm, đầu tư cho nên bộ mặt vùng nông thôn nơi đây đã đổi thay từng ngày, cuộc sống người dân cũng được nâng lên rõ rệt.
Tân Phú Đông là huyện đảo của tỉnh Tiền Giang. Trước đây, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, kết cấu hạ tầng yếu… Nhưng Tân Phú Đông hôm nay đã khác. Gia đình ông Trần Văn Minh, ấp Tân Hưng, xã Tân Thới, trồng 0,4 ha dừa Mã Lai và 0,2 ha mãng cầu Xiêm. Mỗi năm, thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng, ông Minh chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của địa phương, người dân chúng tôi có được những con đường bê-tông, đường nhựa thẳng tắp, nhiều tuyến đường không còn lầy lội vào mùa mưa; những ngôi trường khang trang, sạch đẹp mọc lên, giúp con em học hành đến nơi, đến chốn”. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Thới Lê Thanh Đằng, đến nay, xã không còn nhà tạm bợ, nhà dột nát; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 45 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 4%.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Quốc Khánh cho rằng: “Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện được người dân hưởng ứng tích cực và đạt nhiều thành tựu rõ rệt, chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước nâng cao; hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại được dễ dàng”.
Hướng đến mục tiêu nông thôn mới
Trong năm 2020, dự kiến sẽ có sáu xã bãi ngang ven biển được công nhận xã NTM là: Bình Xuân, Bình Đông (thị xã Gò Công); Kiểng Phước, Gia Thuận, Phước Trung (huyện Gò Công Đông) và Tân Thới (huyện Tân Phú Đông). Theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Trần Văn Thành, mới đây, huyện đã điều tra thu nhập bình quân đầu người/năm đối với các xã bãi ngang ven biển. Thu nhập bình quân của người dân tăng lên nhanh chóng, từ 20 đến 30 triệu đồng/người/năm thì nay tăng lên 50-60 triệu đồng/người/năm. Trong đó, xã Kiểng Phước đạt gần 57 triệu đồng/người/năm, xã Gia Thuận và Phước Trung đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm rõ rệt, trong đó, các xã bãi ngang ven biển chỉ còn từ 2,5 đến 3%. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để ba xã bãi ngang ven biển của huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM vào tháng 1-2020. Hiện nay, các xã này đều đạt tất cả 19 tiêu chí.
Huyện Tân Phú Đông đã đăng ký với UBND tỉnh Tiền Giang về lộ trình hoàn thành xây dựng NTM các xã và huyện NTM. Huyện cũng đang rà soát lại những tiêu chí trong xây dựng NTM để gấp rút thực hiện các tiêu chí còn lại nhằm sớm hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Quốc Khánh cho biết: “Đến cuối năm 2019, xã Tân Thới đạt 15 trong số 19 tiêu chí, xã Tân Phú đạt 10 trong số 19 tiêu chí, xã Tân Thạnh đạt 8 trong số 19 tiêu chí, xã Phú Thạnh đạt 9 trong số 19 tiêu chí, xã Phú Đông đạt 11 trong số 19 tiêu chí và xã Phú Tân đạt 8 trong số 19 tiêu chí. Dự kiến, năm 2020, huyện sẽ ra mắt xã NTM đầu tiên của huyện là Tân Thới và tiến tới huyện NTM vào năm 2025”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, trong những năm gần đây, các xã bãi ngang, ven biển của Tiền Giang đã có những chuyển biến rất lớn về kinh tế - xã hội. Từ những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn phải nhận hỗ trợ mọi mặt của Nhà nước, đến nay các địa phương này đã có bước phát triển rất đáng ghi nhận, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nhiều xã đã hoàn thành xây dựng xã NTM. Sự đổi thay này rất có ý nghĩa đối với thành tựu phát triển chung của toàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục chính sách hỗ trợ các xã bãi ngang, nhất là các xã ở huyện Tân Phú Đông phát triển bền vững, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.