Tiền Giang đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Đi thuyền trên sông Tiền; chèo đò len lỏi vào kênh, rạch; nghe đờn ca tài tử; tát mương bắt cá; tham quan các làng nghề truyền thống, chợ nổi trên sông; thưởng thức các loại trái cây đặc sản, các món ăn địa phương; nghỉ đêm trải nghiệm trong các ngôi nhà cổ… là những sản phẩm đặc trưng, là lợi thế được tỉnh Tiền Giang chú trọng khai thác để phát triển du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Chèo đò đưa du khách khám phá hệ thống kênh, rạch tại cù lao Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho.
Chèo đò đưa du khách khám phá hệ thống kênh, rạch tại cù lao Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho.

Tiền Giang có hệ thống sông, kinh, rạch chằng chịt, đan xen nhau. Các cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp, Thới Sơn, Tân Long, Cồn Ngang… đã tạo nên những vườn cây ăn trái đặc sản bốn mùa như thanh long Chợ Gạo; xoài cát Hòa Lộc; bưởi lông Cổ Cò; quýt Cái Bè; vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim; sơri Gò Công…

Nguồn tài nguyên nhân văn thể hiện ở lối sống chân chất, nhiệt tình và nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, đặc trưng của cư dân vùng sông nước đã hình thành nên sản phẩm du lịch khá phong phú, hấp dẫn.

Để tạo kết nối và đa dạng thêm loại hình du lịch, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Tiền Giang chú trọng hợp tác, liên kết phát triển du lịch ở cấp vùng và liên vùng.

Đó là chương trình liên kết hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long; liên kết phát triển du lịch cụm phía đông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; liên kết vùng Đồng Tháp Mười giữa ba tỉnh Tiền Giang-Long An-Đồng Tháp với Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Tiền Giang hợp tác, liên kết học tập kinh nghiệm với các địa phương ở phía bắc như Hà Tĩnh, thành phố Hà Nội...

Các chương trình liên kết tập trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước, hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến đầu tư và hình thành được một số kết nối tuyến du lịch nổi bật để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

Tiền Giang liên kết, đưa khách du lịch từ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở Thành phố Hồ Chí Minh tham quan các điểm du lịch sinh thái ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… đồng thời, đưa khách du lịch trong tỉnh đi tham quan các điểm du lịch đặc trưng của các vùng lân cận như: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết, giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đến Tiền Giang luôn tăng và ổn định, với tốc độ tăng bình quân hằng năm gần 10%.

Năm 2016, Tiền Giang đón được 1,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 662.000 lượt khách quốc tế; doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 627 tỷ đồng. Đến năm 2019, địa phương này đón hơn 2,1 triệu lượt khách, trong đó có hơn 850.000 lượt khách quốc tế; doanh thu đạt 1.160 tỷ đồng.

Trong hai năm 2020, 2021, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, cũng như nhiều địa phương khác, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng nặng nề...

Ông Võ Phạm Tân cho biết thêm, Tiền Giang đang thực hiện chiến lược định vị sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc.

Cùng với đó, tăng cường khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Tiền Giang.

Tiền Giang tập trung phát triển cù lao Thới Sơn trở thành trung tâm du lịch, tạo điểm nhấn.

Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại đây liên kết với hộ dân để tạo thành tuyến du lịch sinh thái cộng đồng với nhiều sản phẩm đặc trưng như: Thưởng thức các loại trái cây đặc sản, chèo đò trên kênh, rạch, nghe đờn ca tài tử, trải nghiệm ẩm thực dân dã, sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa truyền thống người dân vùng sông nước Nam Bộ.

Với khu du lịch Cái Bè, sản phẩm du lịch là sinh thái sông nước, miệt vườn và du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái đặc sản tham quan làng cổ Đông Hòa Hiệp. Điểm nhấn là dịch vụ nghỉ đêm ở nhà dân trong các ngôi nhà cổ, phát triển các khu resort Nam Bộ chất lượng cao dọc theo dòng sông Tiền…

Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười với điểm nhấn là Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười với 107ha rừng ngập nước thuộc huyện Tân Phước gắn với khu tâm linh Thiền viện Trúc lâm Chánh giác. Với cánh đồng mênh mông, hệ sinh thái vùng ngập nước độc đáo, có các loài động, thực vật đặc hữu, hai khu vực nêu trên kết hợp với nhau sẽ đáp ứng nhu cầu tham quan của người dân, du khách trong và ngoài nước.

Tiền Giang tập trung phát triển du lịch văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống.

Với 22 di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, trong đó có hai di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đặc biệt và 163 di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh; các lễ hội, sự kiện hằng năm như lễ hội Trương Định, lễ hội Nghinh Ông ở Vàm Láng, lễ hội kỷ niệm chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút, chiến thắng Ấp Bắc, lễ hội làng cổ Đông Hòa Hiệp và các làng nghề truyền thống độc đáo sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh...