Thời gian gần đây, nhiều người dân đã nâng cao ý thức chủ động đi và đưa người nhà của mình đi tiêm vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, việc hiểu rõ các loại vaccine cần tiêm cho từng lứa tuổi, phòng loại bệnh nào, không phải người dân nào cũng đủ hiểu biết. Cho nên, người dân trước khi muốn tiêm vaccine loại nào cho lứa tuổi nào, hãy đến các trung tâm tiêm chủng tìm hiểu kỹ trước khi tiêm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu khu vực khi có tỷ lệ tiêm vaccine cao. Điều đó cho thấy nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, việc gián đoạn tiêm chủng do dịch bệnh hay thiếu nguồn cung vaccine đã khiến hàng triệu trẻ em không được bảo vệ, đang trở thành là một trong những nguy cơ y tế công cộng.
Tại buổi tọa đàm, bà Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết: Từ năm 2022 đến nay, chương trình tiêm chủng mở rộng đã phối hợp, hướng dẫn tập huấn 63 tỉnh, thành phố để thực hiện theo quy trình. Tất cả các đối tượng tiêm chủng đều được khám sàng lọc.
Phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia Đặng Thanh Huyền nhấn mạnh: Vaccine là một chế phẩm rất đặc biệt, cho nên phải bảo đảm đúng quy trình, đồng thời phải bảo đảm vai trò của nhân viên y tế. Ngoài ra, chính cha, mẹ cần khai báo đầy đủ những mũi tiêm chủng mà con đã tiêm.
Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia Đặng Thanh Huyền trao đổi tại tọa đàm. |
Để bảo đảm an toàn sau khi tiêm vaccine, bà Đặng Thanh Huyền nêu rõ, chỉ có những trường hợp đủ điều kiện sức khỏe mới được tiêm chủng. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn khám sàng lọc, đây là lần thứ 4 ban hành cập nhật sàng lọc tiêm chủng.
Theo đó, người được tiêm chủng phải nói rõ những vấn đề, như các mũi tiêm đã tiêm, các phản ứng trước đây từng gặp phải. Đối với trẻ nhỏ có triệu chứng như sốt sẽ nằm trong diện hoãn tiêm. Những trường hợp mắc bệnh nền sẽ được chuyển lên tuyến trên để được khám sàng lọc nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng. Đối với trẻ nhỏ, khi trẻ có vấn đề sức khỏe, trước khi ra viện, sẽ được tư vấn những mũi tiêm chủng còn sót để được tiêm chủng đầy đủ.
Chia sẻ về vấn đề cần tiêm vaccine đầy đủ để có thể phòng, chữa bệnh tốt hơn, Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vẫn gặp những bệnh nhi mắc bệnh sởi, thủy đậu, quai bị... do không tiêm vaccine ngừa các bệnh này trước đó. Những trường hợp này đã phải nhập viện, điều trị kéo dài; thậm chí đã để lại những ảnh hưởng, di chứng về sau ở trẻ. Có những trẻ mắc bệnh thủy đậu nặng bị nhiễm trùng huyết, viêm não, sẹo xấu, còn những trẻ mắc bệnh quai bị nặng có nguy cơ gây viêm tinh hoàn, gây vô sinh...
Do vậy, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyên các bậc cha mẹ nên chích ngừa cho trẻ đầy đủ các loại vaccine cần thiết như ho gà, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, rubella hoặc sởi, quai bị... Những đứa trẻ được tiêm đầy đủ các loại vaccine, sẽ được bảo vệ sức khỏe từ bé tới lớn, trẻ nhỏ có cơ hội phát triển toàn diện, bảo đảm sức khỏe ổn định, hạn chế nguy cơ mắc bệnh, gây ảnh hưởng tới thể chất cũng như trí não. Không những vậy, sau khi tiến hành tiêm phòng bệnh, chúng ta thấy rõ ràng trẻ nhỏ sẽ giảm tỷ lệ đối mặt với nguy cơ bị biến chứng, dị tật hoặc tử vong. Đây là dấu hiệu tốt và đáng mừng mà các bậc phụ huynh nên biết và cho con em đi tiêm chủng.
Siết chặt quy trình tiêm chủng vaccine an toàn
Giải đáp thắc mắc về sự an toàn và quản lý chất lượng vaccine, TS Lưu Thị Dung, Phó trưởng Khoa quản lý hệ thống chất lượng, Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cho hay, tất cả vaccine (nhập khẩu và sản xuất trong nước) khi được sử dụng đều được kiểm định an toàn. Việc này giúp người dân tin tưởng về chất lượng, an toàn, hiệu quả. Để có được các loại vaccine lưu hành, khi các nhà sản xuất bắt tay vào sản xuất đã phải kiểm soát nghiêm ngặt. Đối với những vaccine nhập khẩu, sẽ được các nước sở tại cấp giấy chứng nhận cho phép lưu hành. Khi về đến Việt Nam sẽ được chuyển đến viện kiểm định để xác định rà soát hồ sơ pháp lý liên quan đến chất lượng, bảo quản... bảo đảm tất cả các yếu tố đó mới được thông qua kiểm định. Vaccine sản xuất trong nước cũng được kiểm soát nghiêm ngặt trước khi sử dụng.
Quá trình sử dụng vaccin sẽ có những khâu giám sát hậu kiểm, giám sát bảo quản lạnh, lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra để phát hiện sớm những loại không bảo đảm.
Bà Đặng Thanh Huyền cho biết thêm, trong hệ thống tiêm chủng, hệ thống dây chuyền lạnh là điều kiện không thể thiếu. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có những thiết bị bảo quản hơn 260 triệu liều vaccine, các thiết bị này được theo dõi tự động, khi có những sự cố nào sẽ có tin nhắn đến người phụ trách.
Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định vaccine khi lưu hành trên thị trường phải bảo đảm an toàn. Cục Quản lý dược thường xuyên trao đổi, tập huấn để bảo đảm chất lượng vaccine cũng như liên tục giám sát, kiểm định vaccine lưu thông trên thị trường.
Kể cả các vaccine nhập khẩu phải được cấp phép ở nước sở tại, khi về Việt Nam phải kiểm định lại, đạt tiêu chuẩn một lần nữa mới được đưa vào sử dụng. Vì vậy, người dân có thể yên tâm về chất lượng vắc xin được sử dụng hiện nay".
Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cũng cho biết thế giới đang nghiên cứu nhiều vaccine mới ngừa ung thư gan, tay chân miệng…
Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC Bạch Thị Chính cho biết, Hệ thống VNVC hiện đã có nhiều loại vaccine mới có thể phòng các bệnh mới, phòng bệnh từ trẻ em đến người lớn tuổi. VNVC luôn đồng hành cùng với Nhà nước, chương trình tiêm chủng mở rộng, để đưa những loại vaccine mới vào chương trình Tiêm chủng mở rộng....