Sớm bảo đảm vaccine tiêm chủng

Theo thông tin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hầu hết các địa phương đều đã hết vaccine 5 trong 1. Những loại vaccine khác trong chương trình cũng còn rất ít, chỉ đủ sử dụng trong vài tháng tới. Bởi vậy, cần sớm có giải pháp bảo đảm vaccine.
0:00 / 0:00
0:00
Cần sớm có các biện pháp chủ động của ngành y với các bộ, ngành và địa phương để có đủ vaccine tiêm phòng cho trẻ.
Cần sớm có các biện pháp chủ động của ngành y với các bộ, ngành và địa phương để có đủ vaccine tiêm phòng cho trẻ.

1/Theo lịch tiêm chủng, chị Nguyễn Thu Hương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đưa con đến trạm y tế xã để tiêm vaccine sởi và DPT phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván nhưng cán bộ tại trạm y tế xã cho biết, vaccine 5 trong 1 đã hết và… không biết khi nào mới có. Chị Hương rất lo lắng, không biết tiêm chậm như thế có ảnh hưởng đến sức khỏe của con hay không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Tố Nga, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: Điều này sẽ ảnh hưởng đến miễn dịch của trẻ vì độ tuổi tiêm thích hợp cho trẻ là 23-24 tháng tuổi. Để trẻ tiêm đúng lịch, trên địa bàn huyện, các trạm y tế đã gọi điện nhắc lịch tiêm và tư vấn cho các gia đình đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để tiêm vaccine ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bác sĩ Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng Y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: Ngay từ mũi tiêm phòng lao và viêm gan B là những mũi đầu tiên khi trẻ mới chào đời, trong vòng 10 ngày, chúng tôi đã có kế hoạch tuyên truyền cho các bà mẹ và động viên các gia đình có điều kiện cho con đi tiêm sớm.

2/Hầu hết vaccine sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng được sản xuất trong nước, bao gồm: phòng bệnh lao (BCG), uốn ván, bạch hầu-uốn ván (Td), DPT, viêm gan B, viêm não Nhật Bản; vaccine bại liệt uống (bOPV), sởi; sởi-rubella. Có 2 loại vaccine nhập khẩu từ nước ngoài là vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, vaccine viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và vaccine bại liệt tiêm (IPV).

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cung ứng vaccine đã bị ảnh hưởng dẫn đến gián đoạn cung ứng, thiếu vaccine cục bộ tại một số địa phương. Đối với các vaccine sản xuất trong nước, chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023, riêng vaccine viêm gan B, vaccine phòng lao sử dụng đến tháng 8/2023 và vaccine viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết tháng 9, vaccine sởi, sởi - rubella, bOPV đủ dùng hết tháng 7; vaccine uốn ván và IPV (bại liệt tiêm) hiện còn tại các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm 2023. Đối với vaccine nhập khẩu 5 trong 1 bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2/2023, là do năm 2022 đã tiến hành các thủ tục đấu thầu mua sắm vaccine theo quy định nhưng không có nhà thầu tham gia.

Từ năm 2023, ngân sách để mua vaccine sẽ do các địa phương cung cấp. Tuy nhiên, những loại vaccine này không có trong danh mục đấu thầu và các đơn vị sản xuất cũng không có chức năng đấu thầu. Vì vậy Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và chương trình tiêm chủng mở rộng làm tốt chức đấu thầu tập trung theo nhu cầu của các địa phương. Hiện, Bộ đang phối hợp Bộ Tài chính và các địa phương đề xuất Chính phủ tháo gỡ cơ chế mua sắm, bảo đảm cung ứng đủ vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các trung tâm y tế trên địa bàn tăng cường tổ chức tiêm chủng sao cho hợp lý để hạn chế hao phí vaccine và tổng hợp lại nhu cầu tiêm chủng về Bộ Y tế. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở cho biết: “Chúng tôi cho rằng việc đấu thầu tập trung quốc gia hay đàm phán giá sẽ giúp cho giảm giá thành vaccine cũng như bảo đảm cho các loại vaccine thống nhất trên cùng một địa bàn toàn quốc và cũng bảo đảm giá vaccine trên các địa bàn giống nhau”.