Thiếu vì sao?
PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ giữa tháng 5/2023 các cơ sở tiêm chủng tại thành phố đã hết hoàn toàn hai loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng là DPT-VGB-HiB ("5 trong 1", phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib). Vaccine DPT ("3 trong 1", phòng ba bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) đã hết từ đầu tháng 5. Vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản cuối tháng 5 hết, các loại vaccine khác chỉ còn với số lượng rất hạn chế. Dự kiến đến giữa tháng 6 sẽ hết vaccine lao (BCG); tháng 7 sẽ hết vaccine bại liệt (bOPV) và vaccine sởi; tháng 8 sẽ hết vaccine uốn ván (VAT); tháng 9 sẽ hết vaccine sởi và rubella (MR).
Tương tự, theo PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhiều địa phương khác cũng khan hiếm vaccine, có tỉnh, thành phố hết vaccine "5 trong 1" từ tháng 2. Ở một số địa phương, vaccine lao (BCG), sởi, rubella lác đác còn dùng được đến tháng 7 và 8. Vaccine uốn ván có thể dùng đến hết năm 2023. Vaccine phòng bại liệt (bOPV dạng uống) sẽ thiếu trong vài tháng tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng thiếu vaccine hiện nay là do thay đổi kế hoạch cung ứng. Cụ thể, từ năm 2022 trở về trước, Bộ Y tế là cơ quan được Nhà nước phân bổ ngân sách, giao đàm phán, đấu thầu, mua sắm vaccine cho các địa phương trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy vậy, việc gián đoạn cung ứng vaccine thời gian dài được nhiều lần giải thích do "vướng một số thủ tục về quy định mua sắm hàng hóa diện Nhà nước đặt hàng" (vaccine tiêm chủng cho trẻ em dưới một tuổi thuộc diện này).
Nguyên nhân được đưa ra là từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine tiêm chủng mở rộng, đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Việc này, theo các địa phương là khó do chưa triển khai lần nào, chưa tìm được nguồn và cũng lo giá mua chênh lệch giữa các địa phương. Bởi vậy, trong cuộc họp ngày 11/5, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế quay lại triển khai đấu thầu, mua sắm tập trung vaccine tiêm chủng mở rộng, gỡ vướng việc thiếu vaccine. Vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lại gửi công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương đăng ký nhu cầu vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng. Như vậy, có thể hiểu việc đấu thầu, mua sắm vaccine sẽ tiếp tục do Bộ Y tế chủ trì.
Sớm chủ động nguồn vaccine
Bà Dương Thị Hồng cho biết: Trong tháng 6, Bộ Y tế sẽ có văn bản đề nghị các địa phương đăng ký số lượng đặt hàng và thời gian nhận vaccine. Khi địa phương ký hợp đồng với nhà sản xuất, nhận vaccine, cố gắng triển khai tiêm chủng, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu vaccine đề xuất. Bà Hồng cho biết thêm, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề xuất tiếp tục cung ứng vaccine tập trung. Các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế, sau khi có kết quả mua sắm qua đấu thầu hoặc đàm phán giá theo quy định hiện hành sẽ có giá chính thức, trên cơ sở đó các địa phương ký hợp đồng nhận vaccine. Đối với vaccine trong nước, Bộ Y tế đang cố gắng để được đặt hàng từ Trung ương trong chương trình tiêm chủng mở rộng và xác định giá cụ thể. Địa phương sẽ dựa vào đó để ký hợp đồng với nhà sản xuất trong nước và nhận vaccine.
Về góc độ chuyên môn, chuyên gia y tế, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, vaccine tiêm chủng mở rộng chính là hàng rào bảo vệ cho sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em. Trên thực tế, có lúc còn phải thuyết phục người dân đưa con đi tiêm. "Còn tình hình hiện nay thì ngược lại, nếu tiếp tục gián đoạn tiêm, tiêm không đủ hoặc bỏ tiêm vaccine sẽ tạo thời cơ cho rất nhiều bệnh nguy hiểm quay trở lại. Lúc đó chữa bệnh sẽ gánh hết vấn đề phòng bệnh" - bà Lan phân tích và khẳng định việc duy trì liền mạch vaccine tiêm chủng mở rộng là nhu cầu tối thiểu mà trẻ em cần được đáp ứng. "Tại sao bao nhiêu bệnh từ bại liệt, viêm não Nhật Bản… đều đẩy lùi được, bởi là nhờ tiêm chủng. Nhưng đâu phải ai cũng đủ điều kiện tiêm chủng dịch vụ, vì thế Bộ Y tế với chương trình tiêm chủng mở rộng cần phải xướng lĩnh trách nhiệm này để bảo vệ trẻ em, nhất là vùng ít có điều kiện", bà Lan đặt vấn đề.
Để chấm dứt việc "đói" vaccine tiêm chủng mở rộng, theo một đại diện nhà sản xuất vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế phải có một kế hoạch sử dụng vaccine dài hạn, cụ thể khoảng trong ba đến 5 năm. Đại diện công ty sản xuất vaccine này nói: "Không thể ăn đong vaccine mãi thế này được, trong khi chúng ta dễ dàng biết được tổng số dân số, tỷ lệ sinh và tỷ lệ trẻ trong độ tuổi cần tiêm chủng của cả nước. Việc có kế hoạch từ trước giúp các nhà sản xuất vaccine và cả chương trình tiêm chủng mở rộng luôn chủ động về nguồn vaccine, như thế mới bền vững".