Tiêm vắc-xin để giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh có mức độ lây nhiễm, tử vong cao

NDO -

NDĐT - Tại TP Hồ Chí Minh, Hội Y học Dự Phòng Việt Nam, Văn phòng đại diện GSK Pte Ltd tại Việt Nam phối hợp cùng cùng các chuyên gia y tế tổ chức buổi trao đổi “Vắc-xin cho cả nhà - Gia đình yên tâm được bảo vệ”. Các chuyên gia về y học dự phòng đã cập nhật thông tin về các loại bệnh truyền nhiễm thường xảy ra với trẻ nhỏ và phụ nữ, là hai đối tượng cần được ưu tiên chăm sóc và bảo vệ thường xuyên.

Các chuyên gia đang thảo luận về Giá trị phòng ngừa của vắc-xin.
Các chuyên gia đang thảo luận về Giá trị phòng ngừa của vắc-xin.

Theo đó, đối với trẻ nhỏ, các bệnh như: viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết do vi khuẩn phế cầu hay tiêu chảy cấp do vi-rút rota; đối với phụ nữ thì ung thư cổ tử cung vô cùng nguy hiểm vì có mức độ mắc cũng như tỷ lệ tỷ vong cao.

Chủng ngừa (tiêm phòng) là cách đơn giản có thể bảo vệ trẻ em và cả người lớn tránh được nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm, có mức độ lây nhiễm, tử vong cao. Đó là giải pháp chủ động để hạn chế sự ảnh hưởng trực tiếp của bệnh đến sự phát triển lâu dài của trẻ ngay cả khi đã được điều trị khỏi.

Trong 30 năm qua, vắc-xin đã chứng minh được giá trị và ý nghĩa trong việc phòng bệnh; góp phần bảo vệ 6,7 triệu trẻ em Việt Nam và ngăn ngừa 43.000 trường hợp tránh khỏi các bệnh dịch có thể đe dọa tính mạng như bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, nếu tất cả các vắc-xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với độ phủ trên 90%, dự kiến hằng năm chúng ta sẽ bảo vệ được thêm hai đến ba triệu trẻ em không còn tử vong do những căn bệnh truyền nhiễm hoàn toàn phòng tránh được.

WHO và UNICEF khuyến cáo tất cả các bậc cha mẹ/người giám hộ trẻ nên kiểm tra lại sổ tiêm chủng của con em mình để đảm bảo rằng các mũi tiêm của trẻ được cập nhật một cách đầy đủ và tuân thủ chặt chẽ lịch tiêm chủng quốc gia mà không có bất kỳ sự trì hoãn nào.

ThS, BS. Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Ngoại trừ nguồn nước sạch, không có biện pháp nào khác kể cả kháng sinh, có thể mang lại hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ bệnh và tử vong như vắc-xin. Mỗi năm, vắc-xin giúp ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong và 750 nghìn trẻ em khỏi bị tàn tật vĩnh viễn vì di chứng của bệnh trên toàn cầu.

Còn theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết: Phế cầu là một tác nhân vi khuẩn khá nguy hiểm hiện nay, khu trú vùng tai-mũi-họng ở người khỏe mạnh, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa và rất nặng là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Do đó việc phòng ngừa là rất quan trọng. Biện pháp thụ động như vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay, tăng sức đề kháng cơ thể chỉ là một phần. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu vẫn là chủ động tiêm vắc-xin, tiêm ngừa vắc-xin phế cầu giúp bảo vệ trẻ từ sớm.

Trong khi đó, cứ hai trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp thì có thể có một trẻ là do vi-rút rota gây ra. Trẻ dễ bị mất nước nặng vì vừa nôn ói và tiêu chảy lên đến 20 lần/ ngày. Uống ngừa sớm vắc-xin rota ngay từ 2 tháng tuổi sẽ giúp trẻ được phòng ngừa chủ động đối với tiêu chảy cấp do vi-rút rota bên cạnh việc cho trẻ rửa tay, uống nước sạch và bú sữa mẹ.

Trong 30 năm qua, vắc-xin đã chứng minh được giá trị và ý nghĩa trong việc phòng bệnh; góp phần bảo vệ 6,7 triệu trẻ em Việt Nam và ngăn ngừa 43.000 trường hợp tránh khỏi các bệnh dịch có thể đe dọa tính mạng như bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt.

WHO ước tính, nếu tất cả các vắc xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với độ phủ trên 90%, dự kiến hằng năm chúng ta sẽ bảo vệ được thêm hai đến ba triệu trẻ em không còn tử vong do những căn bệnh truyền nhiễm hoàn toàn phòng tránh được. Trên thế giới, có hơn 50 quốc gia đã áp dụng vắc-xin phế cầu trong chương trình tiêm chủng quốc gia, và kết quả đạt được rất khả quan, đó là 49 triệu trẻ em đã được tiêm chủng từ năm 2009 đến năm 2014. Số liệu thống kê năm 2015 cho thấy, vắc-xin phế cầu khuẩn đã giúp 6 đến 7,5 triệu trường hợp viêm phế cầu khuẩn được ngăn chặn và cứu sống khoảng 290.000 trẻ em dưới 5 tuổi.