Tiềm năng hợp tác rộng mở giữa tỉnh Thái Bình và doanh nghiệp Pháp

NDO - Ngày 26/10, tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Pháp ở Paris, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp của Đoàn công tác tỉnh Thái Bình, đại diện các cơ quan xúc tiến thương mại cùng cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhận định rằng, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài và có nhiều cơ hội hợp tác với các địa phương như Thái Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp Pháp đánh giá cao sự ổn định chính trị và các chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của Việt Nam, rất thuận lợi để xúc tiến các dự án đầu tư và hợp tác về năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo và thực phẩm, môi trường… (Ảnh: MINH DUY)
Các doanh nghiệp Pháp đánh giá cao sự ổn định chính trị và các chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của Việt Nam, rất thuận lợi để xúc tiến các dự án đầu tư và hợp tác về năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo và thực phẩm, môi trường… (Ảnh: MINH DUY)

Phát biểu tại tọa đàm do Cơ quan đại diện Thương mại Pháp (Business France) tại Việt Nam và Hiệp Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (AB Viet-France) phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhận định, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ghi nhận những bước phát triển tích cực, đa dạng và thực chất trên mọi lĩnh vực.

Buổi tọa đàm càng có ý nghĩa hơn khi trong năm 2023 tới đây, Việt Nam và Pháp tiến hành kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, cam kết tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Thời gian qua, các dòng vốn nước ngoài tại Việt Nam được đánh giá vô cùng sôi động, với sự có mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại.

Kể từ khi mở cửa phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các địa phương của Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai những “bước đi” mới và mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế với những đối tác nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đến từ Pháp.

Pháp là đối tác FDI lớn thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu với tổng vốn đăng ký trị giá hơn 3,7 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản. Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng mong muốn được hợp tác hơn nữa với các đối tác Pháp trong nhiều lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh như viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y sinh, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, hạ tầng, dịch vụ logistics.

Giới thiệu về tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, các sản phẩm thế mạnh của tỉnh hiện nay là sản phẩm nông nghiệp như gạo và thủy hải sản, sản phẩm dệt may - da giày với nhiều công ty, tập đoàn lớn có đội ngũ chuyên gia và công nhân tay nghề cao.

Thời gian qua, tỉnh Thái Bình cũng tập trung phát triển công nghiệp, công nghệ cao. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), cùng nhiều đối tác của những tập đoàn hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, LG,… đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào địa phương này. Đặc biệt trong năm 2021, tỉnh đã thu hút được 540 triệu USD, đứng thứ 15 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Tỉnh Thái Bình đạt kết quả rất tích cực về xuất khẩu trong thời gian qua, với những thị trường đối tác tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN và EU. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Pháp của của tỉnh vẫn còn nhiều khiêm tốn, chỉ đạt 27 triệu USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương, chủ yếu là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và dệt may.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, dư địa cùng với tiềm năng và cơ hội phát triển hợp tác - đầu tư giữa tỉnh Thái Bình với các đối tác Pháp còn rất rộng mở. Với những yếu tố địa lý thuận lợi, kết nối giao thương thuận tiện, nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động trẻ, dồi dào và được đào tạo bài bản, quỹ đất dành cho các hoạt động sản xuất công nghiệp được nhà nước đầu tư, tỉnh Thái Bình hy vọng sẽ được đón tiếp nhiều hơn nữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp Pháp trong thời gian tới.

Ông Didier Boulogne, Phó Tổng Giám đốc Business France, cho biết, Pháp luôn xác định Việt Nam là một đối tác chiến lược của mình trong khu vực Đông Nam Á, không chỉ từ bề dày lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước, mà còn cả những thành tựu rất ấn tượng của Việt Nam trong thời gian qua. Dù tình hình thế giới có nhiều biến động, nhanh chóng và phức tạp cùng với nhiều hệ lụy và thách thức do đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn được ghi danh là một trong những quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới.

Ông Didier Boulogne cũng đánh giá cao Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là một trong những hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động thương mại giữa hai nước. EVFTA là nền tảng pháp lý căn bản để tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư lâu dài, ổn định, bảo bảo việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và EU, giữa Việt Nam và Pháp.

Đại diện Business France cũng như các cơ quan xúc tiến đầu tư và doanh nghiệp hai nước nhận định rằng Thái Bình là một trong những địa phương của Việt Nam có tiềm năng hợp tác rất lớn với các đối tác Pháp. Sự hợp tác giữa hai nước nói chung, giữa tỉnh Thái Bình và các đối tác Pháp nói riêng, sẽ góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất và thúc đẩy chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.