Dự Đại hội có các đồng chí: Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đặng Hoàng An, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đặc biệt là sự có mặt của 242 đại biểu chính thức, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hơn 100 nghìn đoàn viên, người lao động toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng cho biết, Đại hội Công đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra trong thời điểm toàn thể cán bộ công nhân viên EVN đang ra sức thi đua nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn ở hai khía cạnh bảo đảm cung ứng điện và cân đối tài chính; Công đoàn các cấp đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng phát biểu khai mạc. |
Dự thảo báo cáo tổng kết hoạt động Công đoàn Điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 cho thấy, cả nước đang bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ về khoa học công nghệ và chuyển đổi số, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. EVN sẽ phát triển trong sự chuyển đổi năng lượng theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giai đoạn 2023-2025 được xác định là thời kỳ rất khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng điện, nhất là điện cho khu vực miền bắc.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của EVN sẽ chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của yếu tố thị trường.
Hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của EVN sẽ chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của yếu tố thị trường.
Trong quá trình tái cơ cấu để đáp ứng yêu cầu thị trường điện, công tác tổ chức lại bộ máy điều hành, sắp xếp các đơn vị, bố trí lại lực lượng lao động,... sẽ diễn ra ở nhiều đơn vị và trong tất cả các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện.
Đồng thời, lãnh đạo ngành cho biết, các hiện tượng biến đổi môi trường và khí hậu cực đoan có thể tác động xấu, thường xuyên hơn tới sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn.
Nhất là, các tổ chức đại diện cho người lao động được phép thành lập và hoạt động sẽ là một thách thức không nhỏ đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải có nhìn nhận đánh giá đúng, đầy đủ về thuận lợi, khó khăn, từ đó có phương thức hoạt động phù hợp, nhằm bảo đảm vai trò là đại diện duy nhất bảo vệ và chăm lo cho người lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đối mặt với bối cảnh trên, Công đoàn Điện lực Việt Nam đề ra mục tiêu chung cho nhiệm kỳ 2023-2028 là xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên và người lao động; bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định và đời sống người lao động ngày càng được cải thiện, nâng cao;
Bảo đảm an toàn cho người lao động, giảm thiểu tai nạn lao động; các quyền dân chủ của người lao động; Tham gia quản lý doanh nghiệp hiệu quả, góp phần xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam vượt mọi khó khăn, phát triển, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân.
Đoàn Chủ tịch Đại hội. |
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An đánh giá những thành quả Tập đoàn EVN đạt được có sự đóng góp quan trọng của các cấp Công đoàn Điện lực Việt Nam, toàn thể đoàn viên công đoàn toàn ngành.
Vai trò của các tổ chức Công đoàn toàn ngành thể hiện rõ, nhất là việc quan tâm, chăm lo người lao động trong đợt dịch Covid-19 kéo dài; các phong trào thi đua lao động, phát huy sáng kiến, sáng tạo.
Đồng chí Đặng Hoàng An đề nghị, Công đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục bám sát nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, tuyên truyền, vận động người lao động chia sẻ khó khăn của Tập đoàn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh.
Tổ chức công đoàn sẽ phối hợp chuyên môn cùng cấp phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, tập trung phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm cấp bách trong các năm 2023, 2024 và thời gian tới;
Sử dụng hiệu quả nguồn lực dành cho người lao động, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; Phối hợp chuyên môn triển khai các chế độ, chính sách cho người lao động, bảo đảm thu nhập cho người lao động; Tăng cường các biện pháp mạnh mẽ, giảm thiểu tai nạn lao động, tai nạn giao thông...
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đề nghị, các cấp Công đoàn Điện lực Việt Nam cần quan tâm chăm lo cho đoàn viên, người lao động đang làm việc tại vùng sâu, vùng xa để hình thành các mô hình chăm lo phù hợp; đóng góp ý kiến về việc xây dựng nhà lưu trú cho những người lao động phải xa gia đình, làm việc trên các nhà máy, công trình trọng điểm;
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An phát biểu tại đại hội. |
Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động công đoàn; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức nhiều hơn nữa hoạt động kết nghĩa giữa các doanh nghiệp với chính quyền, nhân dân địa phương đóng trên địa bàn, tăng cơ hội giao lưu cho người lao động...
Theo đồng chí, cần tích cực hơn nữa trong phối hợp xây dựng quản trị doanh nghiệp, tham gia xây dựng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, văn hóa doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 1, đã bầu 33 ủy viên Ban Chấp hành, 11 ủy viên Ban Thường vụ.
Đồng chí Đỗ Đức Hùng, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam khóa V tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam khóa VI.