Tích cực vận động người dân làm căn cước công dân gắn chip

NDO - Theo chỉ đạo của Bộ Công an, 5 thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phải hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn trước ngày 31/8/2022. Nhằm bảo đảm tiến độ, Công an thành phố Hà Nội đã ban hành mệnh lệnh 01 mở đợt cao điểm thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip trong 30 ngày (từ 25/7 đến 25/8).
0:00 / 0:00
0:00
Công an phường Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân, sáng 27/7.
Công an phường Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân, sáng 27/7.

Thực hiện mệnh lệnh của Công an thành phố Hà Nội, những ngày này, Công an các phường, xã đang nỗ lực tăng ca, tăng thời gian làm để triển khai cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân.

Ghi nhận tại trụ sở Công an phường Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội), từ sáng sớm ngày 27/7, nhiều người dân đã có mặt tại đây để làm thủ tục cấp căn cước công dân.

Ông Đinh Trọng Lực (sinh năm 1969, trú tại 114 B1 Thành Công) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên tại phường Thành Công, do bận đi công tác tại nước ngoài và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giờ tôi mới có thời gian về nơi cư trú để đi làm căn cước công dân gắn chip”.

Theo ông Lực, từ trước ngày đi ra trụ sở Công an làm thủ tục ông đã được cảnh sát khu vực gọi điện thoại hướng dẫn chuẩn bị các giấy tờ, thông tin phục vụ việc cấp căn cước công dân.

Tích cực vận động người dân làm căn cước công dân gắn chip ảnh 1
Công dân bị tâm thần phân liệt được Công an phường Thành Công hỗ trợ làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip.

Thiếu tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Công an phường Thành Công cho biết, để hoàn thành việc cấp căn cước công dân cho người dân trên địa bàn, Công an phường đã xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác điều tra cơ bản để rà soát lên danh sách tất cả số người dân còn lại chưa được cấp căn cước công dân gắn chip.

Sau đó, Công an phường đã phối hợp các đoàn thể, tổ dân phố, thông qua cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố để mời, gọi, vận động từng cá nhân tới trụ sở công an để cấp căn cước công dân.

Đối với các trường hợp ở xa, các đồng chí cảnh sát khu vực cũng tìm cách liên hệ để vận động tới cấp căn cước công dân. “Quá trình cấp căn cước công dân, có những trường hợp là người bệnh bị tâm thần phân liệt, anh em cán bộ, chiến sĩ Công an phường đã phối hợp cùng người nhà, hỗ trợ tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ hoàn thành thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip”, Thiếu tá Hà chia sẻ.

Riêng đối với những trường hợp được mời, gọi tới làm thủ tục cấp căn cước công dân nhưng vẫn không đến, Công an phường bằng các biện pháp nghiệp vụ, nếu xét thấy công dân khó khăn trong việc đi lại sẽ tổ chức đến tận nhà để cấp căn cước công dân cho công dân. Được biết, qua thống kê, trên địa bàn phường Thành Công còn khoảng hơn 460 trường hợp chưa làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip.

Tại địa bàn phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nơi có số lượng lớn trường đại học, cao đẳng với số lượng người tạm trú đông, Công an phường đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực thu thập thông tin dân cư cư trú thực tế (KT1), những trường hợp có hộ khẩu nhưng sinh sống nơi khác (KT2) và những công dân đang tạm trú trên địa bàn (KT3) để hoàn tất công tác cấp căn cước công dân.

Tại địa bàn phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thống kê cho thấy hiện còn gần 2.000 trường hợp chưa làm căn cước công dân gắn chíp. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên triển khai Mệnh lệnh 01, Công an phường đã làm thủ tục cấp cho khoảng 200 trường hợp, đạt 200% chỉ tiêu đề ra. Song song với đó, đơn vị cũng đã cấp định danh điện tử cho khoảng 300 trường hợp.

Theo Công an thành phố Hà Nội, trong tháng cao điểm, lực lượng Công an sẽ làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân từ khoảng 7 giờ đến 23 giờ hằng ngày. Tuy nhiên, với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”, lực lượng Công an sẽ phục vụ đến khi hết lượt người dân tới làm căn cước công dân mới nghỉ.