Bắt đầu từ chiều đến tối nước sông Ba tại cửa Đà Rằng hợp với thủy triều đang lên, làm cho mực nước sông dâng cao chảy tràn vào thành phố.
Bà Nguyễn Thị Trúc, người buôn bán ở chợ trung tâm thành phố Tuy Hòa cho biết: “Nước lên nhanh không kịp trở tay, nhiều hàng hóa của bà con bị ngập ướt do dọn không kịp”.
Các tuyến đường chính ở trung tâm thành phố như Bạch Đằng, Nguyễn Công Trứ, Lê Lợi, Nguyễn Huệ và các đường ngang tại các phường 3, phường 4, phường 5, phường 6 nước chảy thành sông. Chợ trung tâm thành phố Tuy Hòa chiều tối nay đã chuyển lên họp ở ngã 5 đường Trần Hưng Đạo.
Lúc 19 giờ tối nay (30/11), ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Ba Hạ cho biết, thủy điện vẫn đang xả lũ với lưu lượng 6.000 m3/s, cộng với hồ thủy điện sông Hinh và mưa lớn trong lưu vực khiến nước vẫn duy trì ở mức cao.
Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa cho biết, thành phố đang huy động toàn lực để hỗ trợ, di dời, đưa người dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Từ chiều đến tối đã sơ tán di dời 560 hộ/1.468 nhân khẩu khu vực bị ngập và nguy cơ sạt lở. Hiện nay, chưa thể đánh giá về thiệt hại và theo dự báo đến 12 giờ đêm nay nước mới giảm dần.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngay trong tối 30/11, Tỉnh ủy Phú Yên có công văn khẩn chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động triển khai công tác phòng, chống mưa lũ, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch ở địa phương, đơn vị mình. Chủ động triển khai kịp thời các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do mưa lũ gây ra; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Các huyện, thị, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên theo dõi, cập nhật bản tin dự báo thời tiết, mưa lũ, kế hoạch xả lũ của tỉnh để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các phương án phòng, chống mưa lũ ở địa phương. Tổ chức trực theo dõi tình hình 24/24 giờ, bảo đảm ứng phó với các tình huống xảy ra.
Kịp thời tổ chức di dời dân ở những vùng trũng thấp, xung yếu, ven sông, ven biển có khả năng ảnh hưởng triều cường, sạt lở do mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Chủ động tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo, đưa người dân ra khỏi những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở...
Bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết cho các khu vực sơ tán. Xây dựng phương án khắc phục sau mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống nhân dân.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ngành, địa phương triển khai các phương án phòng, chống mưa lũ, nhất là bảo đảm an toàn các công trình đang thi công và hệ thống hồ, đập. Triển khai các phương án xả lũ khoa học, có kế hoạch, vừa bảo đảm an toàn hồ, đập vừa bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu. Sớm thông tin kế hoạch xả lũ để nhân dân chủ động ứng phó. Kịp thời khắc phục các sự cố tại các tuyến giao thông, bảo đảm giao thông được an toàn, thông suốt… Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm, bám sát địa bàn, chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đồng thời công tác phòng, chống mưa lũ và phòng, chống dịch Covid-19.
Một số hình ảnh do phóng viên báo Nhân Dân ghi nhận tình trạng nước ngập tại thành phố Tuy Hòa trong chiều và tối 30/11.