Chủ trì đối thoại có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đỗ Mạnh Hiến và Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng.
Cùng dự đối thoại có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; lãnh đạo các sở, ngành; đại diện các cấp Công đoàn Hải Phòng và 450 công nhân lao động đại diện cho gần 600.000 lao động trên địa bàn thành phố.
Thường trực Thành ủy Hải Phòng cũng công bố nội dung trả lời 8 nhóm vấn đề mà công nhân, viên chức, lao động thành phố gửi đến Ban Tổ chức, được Liên đoàn Lao động thành phố tổng hợp.
Tại đối thoại, đại diện công nhân viên chức lao động thành phố Cảng đã thẳng thắn nêu nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến đời sống, việc làm, chế độ, chính sách, an toàn đối với công nhân, lao động.
Công nhân, lao động nêu các ý kiến, kiến nghị tại đối thoại. |
Trong đó, nhiều ý kiến công nhân, lao động đề cập đến vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân; đào tạo nghề; chất lượng và an toàn tại các khu nhà trọ tự phát hiện nay; nguy hiểm rình rập công nhân do mất an toàn giao thông tại các nút giao vào các khu công nghiệp và nhất là tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, chủ doanh nghiệp bỏ trốn khiến người lao động thiệt thòi không được hưởng chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản theo quy định…
Tại đối thoại, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy Hải Phòng, cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đã trực tiếp trả lời, giải đáp nhiều ý kiến, kiến nghị cụ thể của công nhân, lao động.
Phát biểu tại đối thoại, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu chia sẻ, đối thoại với công nhân, viên chức, lao động là mong muốn của tập thể Thường trực Thành ủy Hải Phòng và nó càng có ý nghĩa khi được tổ chức đúng vào Tháng Công nhân này.
Đây là dịp để lãnh đạo thành phố Hải Phòng có cơ hội lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những ý tưởng, hiến kế của anh chị em công nhân, viên chức, lao động vì sự phát triển của thành phố.
Đồng thời, đây cũng là tình cảm, là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng đối với giai cấp công nhân thành phố.
Buổi đối thoại diễn ra thẳng thắn, trách nhiệm, được lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành giải đáp khá rõ và nêu ra các định hướng của thành phố nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu chính đáng của người lao động, tạo điều kiện để công nhân, lao động yên tâm làm việc, cống hiến cho công cuộc xây dựng, bảo vệ thành phố và đất nước.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định những nội dung trả lời đó là những cam kết, là trách nhiệm chính trị, pháp lý của lãnh đạo thành phố và các sở ngành, đơn vị phải tổ chức thực hiện nghiêm túc đối với đội ngũ công nhân, viên chức, lao động thành phố.
Cá nhân Bí thư Thành ủy và các đồng chí Thường trực Thành ủy sẽ chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo để những cam kết đối với công nhân, viên chức, lao động thành phố sớm có kết quả; đáp ứng phần nào mong mỏi, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của anh chị em công nhân, viên chức, lao động thành phố.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu tái khẳng định, chủ trương nhất quán của thành phố là: phát triển kinh tế, phải đi đôi với phát triển các vấn đề về xã hội; nhân dân là chủ thể trực tiếp tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố thì chính nhân dân cũng phải được thụ hưởng những thành quả, giá trị to lớn của quá trình đó.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu trao đổi với công nhân lao động |
Bí thư Lê Tiến Châu cũng trao đổi trực tiếp với công nhân, lao động các vấn đề cụ thể mà nhiều ý kiến, kiến nghị đề cập như phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân-vấn đề rất cần thiết và cấp thiết đối với đông đảo người dân.
Thành phố đã và đang nỗ lực, tập trung triển khai phát triển gần 47 nghìn căn nhà ở xã hội, vượt xa so với chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng thời, Hải Phòng mong muốn nhà ở xã hội không chỉ là “không gian cho các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp, các điều kiện sống vừa đủ”, mà phải là “không gian ở mới đồng bộ, tiện nghi, có đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học) và quan trọng phải vừa túi tiền, phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân”.
Cùng với đó, thành phố đang nghiên cứu, xây dựng Đề án tổng thể về đào tạo nghề cho lao động, với việc sắp xếp lại những cơ sở đào tạo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành, lĩnh vực đào tạo nghề thành phố có nhu cầu…
Về các vấn đề về xã hội như: trường học, bệnh viện, nhu cầu thụ hưởng văn hóa, lãnh đạo thành phố đã nhận diện và sẽ quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho các lĩnh vực này, đặc biệt là xây dựng trường chuẩn, xây dựng trường mầm non, mẫu giáo; mở rộng các đối tượng được thụ hưởng chính sách miễn, giảm học phí; tăng cường chương trình biểu diễn nghệ thuật, sân khấu hóa tại các khu công nghiệp, tại các địa bàn ít có điều kiện được tiếp cận…
Trước yêu cầu mới, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng gửi gắm và mong muốn đội ngũ công nhân, lao động tiếp tục phát huy “truyền thống đi đầu”, năng động, sáng tạo, một trong những “cái nôi” ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam, ra sức lao động giỏi, lao động sáng tạo đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thành phố.