Thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu

Không nằm ngoài xu thế toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế số Việt Nam. Ðây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng thêm thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp tại Showroom Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.
Trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp tại Showroom Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.

Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu trực tuyến (online) thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay đang trở thành hướng đi của nhiều doanh nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế và tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh hậu Covid-19 và sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi của khách hàng, thị trường thương mại điện tử càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Có thể khẳng định, thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Thương mại điện tử xuyên biên giới cho phép doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường quốc tế, mở rộng phạm vi tiếp thị và tăng doanh số bán hàng, mở ra cơ hội để tiếp cận với hàng triệu khách hàng mới và khai thác tiềm năng thị trường lớn. Với thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế giá cả, độc quyền sản phẩm và tạo sự khác biệt trên thị trường nước ngoài, tăng cường trải nghiệm khách hàng, cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, và đáp ứng nhanh chóng sự thay đổi của thị trường.

Cũng theo ông Trần Phú Lữ, đối với Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, địa phương này có doanh số mua hàng thương mại điện tử cao nhất nước, đạt 6,2 tỷ USD chiếm 29% doanh số cả nước; doanh số bán hàng thương mại điện tử đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 23% doanh số thương mại điện tử cả nước, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 440 triệu sản phẩm, tăng gần 45,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thành phố cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết các doanh nghiệp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử lớn của cả nước và trên thế giới. Với nhận thức vai trò quan trọng của thương mại điện tử, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 313/QÐ-UBND ngày 21/1/2022 về phê duyệt Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 nhằm mục tiêu tăng cường sự phát triển của truyền thông, chuyển đổi số và thương mại điện tử trong thời kỳ số hóa.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia các giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh hình thức kinh doanh thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Thành phố cũng xác định mục tiêu sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, phát triển thương mại điện tử trong doanh nghiệp; đồng thời phát triển giao dịch thương mại điện tử trong cộng đồng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thương mại điện tử; triển khai những chương trình hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh.

Tiềm năng mở rộng

Thống kê cho thấy, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.400 tỷ USD vào năm 2025.

Theo thống kê của Amazon Global Selling, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn hai tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Ðộ... Ðể tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp Việt Nam cần có tầm nhìn rõ hơn về tiềm năng và cơ hội mà thương mại điện tử mang lại, nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương), dưới sự dẫn dắt và phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta đang chứng kiến một xã hội năng động, một thế giới luôn vận hành, cải tiến và đổi mới. Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng thần tốc, trở nên là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu, là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào đứng ngoài cuộc. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng khách hàng; đồng thời, tăng phạm vi tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.