Thương binh góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp

NDO - Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ trong các cuộc chiến đấu, nhiều thương binh trở về cuộc sống đời thường với những vết thương còn trên cơ thể. Song với phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương binh ở tỉnh Tiền Giang đã khắc phục khó khăn, sống có ích cho xã hội, làm chỗ dựa cho con cháu, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, góp phần tích cực trong xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Văn Sơn chăm sóc vườn thanh long.
Ông Nguyễn Văn Sơn chăm sóc vườn thanh long.

Những thương binh “tàn nhưng không phế”

Trở về cuộc sống đời thường với thương tật 81%, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Sơn, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) không thể quên những ngày tháng chiến đấu gian khổ mà oanh liệt. Thương binh Nguyễn Văn Sơn tâm sự: “Năm 1983, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Sơn nhập ngũ tại Sư đoàn 868 ở Đồng Tâm, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Sau đó, ông được tham gia làm nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Trong hơn 4 năm ròng chiến đấu ác liệt, ăn hầm ngủ bụi, ông Sơn bị thương rất nhiều lần. Lần cuối vào đầu năm 1987, ông bị thương nặng nhất, bàn tay trái và các đầu ngón tay của bàn tay phải đã để lại chiến trường”.

Ông Sơn còn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu ác liệt, đặc biệt là cái ngày mà ông bị thương nặng nhất. Hôm ấy, Trung đội đi dò đường thì bất ngờ bị Pol Pot bắn B40, chúng tôi mới bò vào gốc cây thì trúng phải mìn của chúng. Tôi và một số anh em trong Trung đội đã bị thương...

Rời chiến trường máu lửa, thương binh Nguyễn Văn Sơn bước vào cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến đấu để giữ mình không buông xuôi, gục ngã. Ông Sơn trở về đời thường với cánh tay trái cụt gần tới khuỷu tay, các đầu ngón tay của bàn tay phải không còn, mắt trái bị thương, đến nay hoàn toàn không còn nhìn thấy gì và rất nhiều vết thương trên thân thể, nhưng bù lại, ông có ý chí kiên cường và quyết tâm sắt đá.

Ông Sơn cho biết: “Có người mất đôi chân còn khổ hơn mình. Mình còn 1 con mắt, còn đôi chân, còn 1 phần của đôi tay, lẽ nào lại đầu hàng số phận”. Từ đó, ông Sơn bắt đầu cuộc sống mới của mình. Ông mở một tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà, rồi hằng ngày tự đạp xe lên các chợ ở Mỹ Tho mua hàng về bán. Cảm phục, yêu mến, dù biết trước sẽ phải chịu nhiều khó khăn, trở ngại, thiệt thòi, nhưng cô Dương Thị Ngọc Phượng, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) vẫn đem lòng yêu thương và tình nguyện gắn bó cuộc đời với ông Sơn.

Từ 0,2 ha đất ruộng ông bà cho, vợ chồng ông Sơn cần cù, chăm chỉ chăn nuôi heo, bò… Tích góp qua nhiều năm, vợ chồng ông đã xây dựng nhà khang trang, mua đất lên vườn trồng thanh long. Hiện tại, ông có hơn 0,8 ha đất trồng thanh long ruột đỏ đang cho trái.

Xuất thân trong một gia đình truyền thống cách mạng, từ nhỏ bà Trần Thị Loan, sinh năm 1950, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) đã nung nấu ý định nối tiếp cha anh mình làm cách mạng. Năm 1967, bà xin tham gia lực lượng Biệt động, đóng quân tại xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) nhận nhiệm vụ đưa thư, tải thương…

Tâm sự với chúng tôi, bà Loan chia sẻ: “Mẹ cô từng nuôi giấu cách mạng. Các anh, chị tham gia kháng chiến. Hơn 10 tuổi, cô tình nguyện tổ chức nấu cơm tại nhà phục vụ bộ đội. Năm 1969, cô nhận nhiệm vụ đưa thư và đi mua thuốc trị bệnh cho đơn vị.

Trên đường đi đưa thư và mua thuốc ở xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), bà bị địch phục kích chặn lại. Chúng hỏi: “Mầy đi giao liên hả?”. Nhanh trí, bà đáp trả: “Tui đi bán đồ cho bà chị”, rồi nhanh tay ném thư và tiền vào bụi cây ven đường, do trời tối nên chúng không phát hiện. Dẫu không có “tang chứng”, chúng vẫn bắt bà giải về tiểu khu tra tấn, nhưng chẳng lấy được thông tin gì.

Sau đó, nhiều lần bà bị địch bắt, tra khảo. Cũng như những lần trước, chúng không có chứng cứ buộc tội do bà nhanh trí cất giấu tài liệu nên được thả ra.

Thương binh góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp ảnh 1

Bà Trần Thị Loan nhớ về những kỷ niệm.

Năm 1970, trong một trận địch càn, bà bị một mảnh kíp nổ văng vào mắt phải. Sau thời gian chữa trị, mắt bà bị mờ nhưng vẫn tiếp tục tham gia cách mạng. Sau giải phóng, bà làm việc ở Phòng Lương thực thành phố Mỹ Tho, do phải tiếp xúc nhiều với bụi cám nên mắt phải của bà bị nhiễm trùng, giờ hoàn toàn không thấy gì.

Trong chiến tranh, bà chịu nhiều đau thương, mất mát, lập nhiều chiến công. Hòa bình, bà cũng như bao phụ nữ khác, vất vả sớm khuya lo cho chồng, cho con. Sau khi nghỉ việc ở Phòng Lương thực thành phố Mỹ Tho vì sức khỏe, bà tiếp tục nuôi heo, buôn bán nhỏ lẻ, trồng khóm… để kinh tế gia đình ổn định như hôm nay và 4 người con đều được ăn học thành tài…

Bà Loan tâm sự: “Năm nay, tôi đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn thường xuyên chạy xe máy vào xã Phước Lập, huyện Tân Phước để canh tác 3 ha khóm. Còn sức khỏe thì còn làm. Nhờ trồng khóm và mua bán tại nhà mà bà và chồng tự lo được cuộc sống, không phải nhờ vả con, cháu chuyện tiền nong”.

Không chỉ cần cù trong lao động sản xuất, các thương binh còn học tập ở Bác Hồ tính giản dị, sống vì mọi người, vì cái chung, lo cho dân, không vì tư lợi riêng, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ký ức về những tháng ngày chiến đấu ác liệt, nguy hiểm đã tạo thêm nghị lực sống, giúp thương binh vượt lên qua gian khó của cuộc sống đời thường và sống sao cho xứng đáng với những đồng đội đã ngã xuống.

Hết lòng chăm lo cho người có công

Tỉnh Tiền Giang đã xác nhận, giải quyết chế độ và quản lý hồ sơ hơn 126.000 đối tượng là liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh…

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm cho biết, hằng năm, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công luôn được thực hiện đúng, đủ, kịp thời với hơn 16.000 người hưởng trợ cấp hằng tháng và các trợ cấp một lần khác.

Ngoài việc bảo đảm chi trả trợ cấp thường xuyên cho người có công, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được tỉnh thực hiện tốt. Hằng năm, tỉnh vận động trên 10 tỷ đồng Quỹ đền ơn đáp nghĩa để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và cha, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, thương binh nặng; đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ vượt khó học tập, thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với con của người có công theo quy định. Đây là công việc có ý nghĩa quan trọng nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các Anh hùng liệt sĩ, gia đình có công có nhiều cống hiến hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tỉnh Tiền Giang ban hành Nghị quyết số 28/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, với số lượng là 1.209 căn. Trong đó xây mới 325 căn, sửa chữa 884 căn, với mức kinh phí xây dựng 60 triệu đồng/căn, sửa chữa 40 triệu đồng/căn.

Ngoài những chế độ chính sách theo quy định, hằng năm vào các dịp lễ, Tết, tỉnh Tiền Giang còn xuất ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người có công với cách mạng, với các mức quà lần lượt như sau: 200.000 đồng/người cho các đối tượng được Chủ tịch nước tặng quà; 500.000 đồng/người cho các đối tượng chưa được Chủ tịch nước tặng quà và 1.000.000 đồng/người cho bệnh binh tâm thần.

Tỉnh tổ chức các Đoàn lãnh đạo đi thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn, mức quà 2.000.000 đồng/hộ (tiền mặt), riêng vào dịp Tết hằng năm, mỗi hộ chính sách được tỉnh thăm nhận kèm theo túi quà trị giá 1.000.000 đồng/hộ.

Bên cạnh đó,công tác chăm sóc, phụng dưỡng người có công cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Bởi, rất nhiều thương binh, bệnh binh nặng, thân nhân liệt sĩ già yếu, neo đơn, bệnh tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rất cần được sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng và toàn xã hội, đây là công việc có ý nghĩa quan trọng nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.