Thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân

Tôi đọc nhiều lần bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt đại biểu điển hình tiêu biểu toàn quốc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 được in trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2010 là Chủ tịch Quốc hội) thăm hỏi, chuyện trò với đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: Báo Công an nhân dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2010 là Chủ tịch Quốc hội) thăm hỏi, chuyện trò với đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: Báo Công an nhân dân

Trong bài này, Tổng Bí thư đã chỉ ra nhiều điểm then chốt của việc học và làm theo tấm gương Bác Hồ; gợi ý về cách làm, cách thực hiện sao cho thiết thực, hiệu quả.

Nhấn mạnh mục đích sâu xa, ý nghĩa chiến lược của việc học và làm theo Bác, Tổng Bí thư viết: “Học tập và làm theo gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương chiến lược, cơ bản, lâu dài để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ trở nên đúng đắn, lành mạnh hơn trong nhận thức và hành động”.

Đồng chí đặc biệt lưu ý, việc học và làm theo Bác là “để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”; Nhà nước ta thật sự là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”; để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thật sự là môi trường dân chủ, đoàn kết và dân vận, làm hậu thuẫn thúc đẩy Nhân dân nêu cao vai trò làm chủ, thực hiện quyền dân chủ và làm chủ đích thực của mình”.

Những năm qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” bằng nhiều mô hình mới, hiệu quả. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Phong trào đã lan tỏa đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Người nông dân khai thác đất đai, tiềm năng, lợi thế sẵn có, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển ngành nghề...

Công tác tuyên truyền được các địa phương đặc biệt chú trọng nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân. Thông qua các hội nghị quán triệt tại xã hay qua các cuộc họp, sinh hoạt của thôn, của các đoàn thể, qua hệ thống truyền thanh xã..., ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới được cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức toàn diện và sâu sắc hơn, từ đó tích cực ủng hộ công sức, vật chất để xây dựng quê hương.

Gắn trách nhiệm nêu gương với việc học và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu từ xã đến thôn đều đăng ký nội dung học tập và làm theo bằng những việc làm cụ thể trong phong trào xây dựng nông thôn mới phù hợp tình hình, điều kiện của địa bàn.

Sự gương mẫu đó đã lan tỏa, thúc đẩy đông đảo người dân tích cực hưởng ứng, đóng góp để quê hương ngày càng đổi mới. Tại Quảng Trị đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, như: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, không sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp; chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; xã hội hóa nguồn lực trong nhân dân để xây dựng khu vui chơi cho trẻ em; phối hợp hội cựu chiến binh xây dựng đường cờ tại nhiều thôn, xóm.

Hội phụ nữ các cấp duy trì, nhân rộng những mô hình tiết kiệm “San sẻ yêu thương”, “Thực hành tiết kiệm trong chi tiêu”, “Nhà sạch vườn đẹp”. Hội Nông dân thực hiện tốt các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng... Các mô hình đó đã khơi dậy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, kích thích tư duy đổi mới, sáng tạo, sự thích ứng linh hoạt của quần chúng nhân dân để tạo ra các nguồn lực xây dựng quê hương.

Từ ý nghĩa, hiệu quả thiết thực của việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, với trách nhiệm tham gia, đóng góp xây dựng quê hương của mỗi người dân, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị. Trong đó, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thành công mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.