Thông tin về tình hình cung ứng điện năm 2024, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết từ đầu năm 2024 cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc đã đạt 14,5%, tăng gấp 3 lần so với 2023.
Năm nay dự báo thời tiết nắng nóng, nền nhiệt toàn quốc duy trì mức cao, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện khách hàng tăng cao. Do đó, vấn đề cung ứng, sử dụng điện trở nên cấp bách.
Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết năm nay, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho người dân, doanh nghiệp, EVN đã có nhiều giải pháp để bảo đảm cung ứng điện.
Các nhà máy nhiệt điện, nhà máy tua-bin khí thì đã rà soát về nhiên liệu, hệ thống để xử lý ngay các sự cố. Bên cạnh đó, việc bám sát vận hành các nhà máy điện được theo dõi, xử lý sát sao.
Ngành điện đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến truyền tải điện, đường dây 500kV, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Về công tác xử lý sự cố thất thoát điện, trả lời câu hỏi: Trong trường hợp thất thoát điện do công tơ điện hoặc thất thoát do đường dây thì là trách nhiệm thuộc về ai, ông Nguyễn Thế Hữu cho biết, công tơ điện là điểm ranh giới phân chia trách nhiệm giữa bên bán và bên mua điện.
"Nếu rò rỉ ở phía trước công tơ điện thì bên bán điện sẽ chịu trách nhiệm. Nếu rò rỉ phía sau công tơ điện thì sẽ do bên mua điện chịu trách nhiệm", ông Hữu nói.
Với các nội dung về cách sử dụng thiết bị điện thế nào cho tiết kiệm, hiệu quả, cách xác định khung giờ cao điểm cũng như giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Giờ cao điểm là từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 và 17 giờ đến 20 giờ; giờ thấp điểm là từ 22 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau. Còn lại là giờ bình thường.
Với mỗi khung giờ sẽ áp dụng giá điện khác nhau. Ngành điện khuyến cáo khách hàng vào giờ cao điểm hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn, chuyển nhu cầu sử dụng vào những giờ thấp điểm hoặc là giờ bình thường. Đối với sản xuất thì làm sao cho tổng sản lượng điện sử dụng là không thay đổi.
Trả lời câu hỏi về cách để tiết giảm tiền điện trong hoạt động nuôi tôm từ một nông dân ở Cà Mau, ông Bùi Quốc Hoan, Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Điện lực Miền Nam cho biết, đối với Cà Mau nói riêng và đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, việc nuôi tôm bùng nổ trong giai đoạn 2015-2018.
Từ năm 2015, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các hộ dân để triển khai các mô hình thí điểm về tiết kiệm điện trong nuôi tôm và đưa vào sử dụng nhân rộng. Năm 2018 giải pháp được Bộ Công thương công nhận sáng kiến. Nếu thực hiện triệt để, đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm sẽ tiết kiệm được 30-50%. Như sử dụng con lăn thay cho gối đỡ chữ U truyền thống - tiết kiệm 17% điện năng tiêu thụ. Sử dụng đồng trục từ động cơ đến hệ thống nuôi tôm - tiết kiệm 15-17%. Lắp đặt tụ bù, hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm, sử dụng động cơ hiệu suất cao...
Tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo các đơn vị cũng cung cấp cho bạn đọc, doanh nghiệp các thông tin về công tác tiết kiệm điện hiệu quả; việc tăng huy động nguồn điện giá cao và năng lượng tái tạo.