Nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng

Thời gian gần đây, nhiều nơi đã bị cắt điện luân phiên do không đủ nguồn điện cung ứng. Cùng với sự nỗ lực của ngành điện trong việc bảo đảm nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nhiều cơ quan, doanh nghiệp và người dân đã có những cách làm hay và hiệu quả trong việc tiết kiệm điện, góp phần giải quyết những khó khăn về cung ứng điện.
0:00 / 0:00
0:00

Từ đầu tháng 6 đến nay, cuộc sống sinh hoạt của gia đình chị Lê Lan Anh, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội có nhiều thay đổi để thích ứng với tình trạng thiếu điện. Do là thời điểm nghỉ hè, thời gian học tập không căng thẳng như trong năm học, nên cả gia đình quyết định cùng sinh hoạt trong một phòng rộng mà không ở phòng riêng để tiết kiệm điện.

Cùng với đó, chị quyết định đầu tư lắp đặt giàn nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Do vậy, lượng điện tiêu thụ đã giảm đáng kể, vừa tiết kiệm tiền điện vừa giảm sự phụ thuộc vào các thiết bị điện.

Tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 30 trụ sở cơ quan hành chính, công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và được đánh giá hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Chị Phương cho biết, gia đình thường xuyên theo dõi lượng điện sinh hoạt hằng ngày để có sự điều chỉnh phù hợp cho nên lượng điện tiêu thụ đã giảm khoảng 30% so với tháng trước.

Còn gia đình anh Trần Văn Long, trú tại phường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã thống nhất giao thêm các công việc gia đình cho các con trong kỳ nghỉ hè như giặt quần áo, rửa bát bằng tay nhằm tăng cường vận động cho các con và giảm lượng điện tiêu thụ khi phải dùng các thiết bị như máy giặt, máy rửa bát… Anh Long cho biết, các con của anh rất hào hứng với những công việc được giao và có ý thức hơn trong việc tiết kiệm điện.

Không chỉ các hộ gia đình, nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong thời gian này cũng đang áp dụng triệt để nhiều biện pháp để tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí; đồng thời góp phần cùng xã hội vượt qua thời điểm khó khăn này.

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nhiều cơ quan, đơn vị đã triển khai hệ thống điện áp mái sử dụng năng lượng mặt trời để phục vụ nhu cầu về điện.

Theo thống kê, tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 30 trụ sở cơ quan hành chính, công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và được đánh giá hiệu quả, tiết kiệm chi phí, như tại UBND quận Phú Nhuận, Quận 10, Quận 8, huyện Củ Chi, Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Nông Lâm, Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,7-2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố; 65% số doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ ngành điện xây dựng; vận động 75% số doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thay đổi dần các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các công nghệ mới đem lại sản phẩm tốt hơn và dùng năng lượng ít hơn.

Với việc sử dụng hệ thống điện mặt trời TP Hồ Chí Minh đã tiết kiệm được khoảng 400 tỷ đồng tiền điện/năm. Tại Hà Nội, hệ thống điện áp mái cũng đang triển khai tại một số trụ sở cơ quan hành chính.

Theo Văn phòng UBND quận Ba Đình, hệ thống điện mặt trời đã được triển khai tại trụ sở Quận ủy, HĐND và UBND quận từ hơn một năm nay đã cho thấy hiệu quả tiết kiệm điện. Hiện nay, quận Ba Đình đang xây dựng kế hoạch để triển khai mô hình này tại trụ sở các phường trên địa bàn quận.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,7-2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố; 65% số doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ ngành điện xây dựng; vận động 75% số doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thay đổi dần các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các công nghệ mới đem lại sản phẩm tốt hơn và dùng năng lượng ít hơn.

Thành phố cũng tiếp tục chú trọng tập huấn, xây dựng các cơ sở sản xuất đạt chứng chỉ hệ thống quản lý năng lượng, xây dựng 55 cơ sở sử dụng năng lượng xanh.

Với sự tập huấn, hướng dẫn của Bộ Công thương, hiện nay qua kiểm tra hơn 193 doanh nghiệp trọng điểm đạt chứng chỉ có hệ thống quản lý năng lượng, cơ bản các doanh nghiệp đã biết xây dựng kế hoạch, đã có cán bộ quản lý năng lượng. Năm 2023, thành phố đặt chỉ tiêu xây dựng, hoàn thành 55 cơ sở sử dụng năng lượng xanh, cao hơn số lượng hơn 30 cơ sở của năm 2022, với các quy định, tiêu chí để lựa chọn được các cơ sở gồm nhiều mảng như tòa nhà công nghiệp, văn phòng…

Hà Nội cũng xây dựng các sổ tay, hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng các chương trình tập huấn trực tiếp tại 30 quận, huyện về các mô hình, các cách sử dụng năng lượng tiết kiệm và tiết kiệm điện.

Trong năm nay, Hà Nội dự kiến tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn đến tận phường và tổ dân phố để có thể trực tiếp tuyên truyền, vận động người sử dụng điện, năng lượng tại các hộ gia đình; đồng thời phối hợp các cơ quan và ngành giáo dục chung tay đưa mô hình tiết kiệm năng lượng vào các trường học ngay từ bậc tiểu học để tuyên truyền, tạo thành ý thức ngay từ sớm và lâu dài trong mỗi người dân về sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm.

Cùng với các biện pháp nhằm tiết kiệm điện mà các cơ quan, doanh nghiệp và người dân đang áp dụng, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cũng đưa ra khuyến cáo về các biện pháp tiết kiệm điện, như tăng cường trồng cây xanh trong nhà, tạo không gian xanh; sử dụng rèm cửa dày, nhiều lớp để tránh ánh sáng chiếu trực tiếp; hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện trong cùng một thời điểm; mở cửa sổ để đón không khí mát vào ban đêm; sử dụng điều hòa, tủ lạnh đúng cách; tắt và rút phích cắm các thiết bị điện khi không sử dụng; vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị điện đúng định kỳ; sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện.