Ngày 5/6, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội về việc vi phạm trong cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tại 6 phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Công văn nêu rõ, mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 1623/BHXH-CSYT ngày 1/6/2023 về việc vi phạm trong cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội gửi Bộ Y tế.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 6 phòng khám đa khoa có sai phạm liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định.
Cụ thể như: người lao động không đi khám vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, bác sĩ không đi làm tại phòng khám nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội, người lao động không bị ốm vẫn kê chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc... để trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế.
Để bảo đảm việc tuân thủ thực thi chính sách pháp luật theo quy định, phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đề nghị Sở Y tế Hà Nội một số nội dung cụ thể.
Thứ nhất, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, quy trình khám, chữa bệnh của Bộ Y tế và nghiêm cấm các hành vi trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế.
Thứ hai, chỉ đạo thực hiện việc đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký sử dụng trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội như sau:
Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh là pháp nhân: đăng ký mẫu dấu thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế.
Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không phải là pháp nhân: đăng ký con dấu của cơ sở khám, chữa bệnh và mẫu chữ ký của người hành nghề được phép ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT.
Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh thay đổi mẫu dấu hoặc thay đổi hoặc bổ sung người được ủy quyền ký thay thủ trưởng đơn vị tại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì phải thông báo bằng văn bản cho Bảo hiểm xã hội Thành phố hoặc bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã nơi cơ sở đó đặt trụ sở trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày có thay đổi.
Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh đã áp dụng chữ ký số thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chữ ký số.
Thứ ba, chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh cập nhật dữ liệu khám, chữa bệnh vào Cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh quốc gia để liên thông với hệ thống dữ liệu của cơ quan bảo hiểm xã hội. Tạo lập chứng từ điện tử về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác cơ sở dữ liệu do cơ sở khám, chữa bệnh tạo lập.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tại các cơ sở khám, chữa bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nếu có.
Được biết, tính đến hết tháng 5/2023, trên địa bàn thành phố có gần 1,99 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chiếm 41,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của Hà Nội đạt 93% dân số, với hơn 7,7 triệu người tham gia.
Từ năm 2020 đến hết tháng 3/2023, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã thực hiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 32,87 triệu lượt người có thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh.