Trên cương vị vừa là người đứng đầu Ðảng ta, vừa là nhà lý luận chính trị, Tổng Bí thư bằng những lập luận khoa học, có sức thuyết phục cao trong bài viết của mình đã cho thấy sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bài viết đã xác định những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục mà từng tổ chức đảng, đảng viên và toàn dân cần thực hiện tốt hơn nữa; trong đó, vận dụng thật tốt một số bài học kinh nghiệm về đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc được rút ra tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII, đặc biệt là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Ðồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên định, nhất quán, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trước những vấn đề khó khăn, thách thức mới. Ðối với những vấn đề lớn, khó, phức tạp, hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, còn có nhiều ý kiến khác nhau, thì cần phải đưa ra họp bàn, thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn; cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng để có những quyết định kịp thời, đúng đắn, phù hợp.
Thực tế thời gian qua, ở một số tổ chức đảng, nhất là chi bộ có cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, vi phạm cho thấy, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ vẫn còn những hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục. Ðó là, một số đảng viên, có cả đảng viên là cấp ủy viên còn nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về yêu cầu, nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ và việc thực hiện nguyên tắc này, cho nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa hiệu quả, chưa xác định chính xác, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân, dẫn đến hiện tượng bao biện, làm thay, chồng chéo.
Việc nâng cao chất lượng thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chưa thường xuyên, chưa gắn chặt với thực hiện nghị quyết của chi bộ, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Chất lượng sinh hoạt chi bộ còn có những hạn chế, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề chưa nhiều, chất lượng chưa cao. Việc phát huy vai trò của tập thể cấp ủy cũng như trách nhiệm cá nhân của một số cấp ủy viên còn chưa đầy đủ; việc phân công trách nhiệm cá nhân phụ trách ở một số cấp ủy chưa thật rõ ràng, cụ thể,... Những hạn chế, yếu kém này là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chưa kịp thời và quyết liệt, ý thức trách nhiệm, năng lực một số cấp ủy viên còn yếu.
Thiết nghĩ, để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, trước hết cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung nâng cao nhận thức sao cho mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần, để nguyên tắc quan trọng này phải được thực hiện đúng Ðiều lệ Ðảng và trong mối quan hệ đồng bộ với các nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất trong Ðảng. Cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, quy chế hóa nguyên tắc này trong từng mặt công tác xây dựng Ðảng. Mở rộng dân chủ đồng thời củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng, bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên (nói và làm đúng nghị quyết của Ðảng).
Cùng với đó, thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là đối với người đứng đầu, kịp thời xử lý nghiêm minh, công khai kết quả xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Ðề cao, phát huy vai trò của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với giữ vững và chủ động, tích cực phòng chống tình trạng xa rời nguyên tắc này. Làm rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là thực hiện các nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình. Thực hiện khuyến khích, bảo vệ những người có tư duy sáng tạo, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.