Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công

NDO - Chiều 22/8, phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND thành phố Hà Nội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội phân tích và chỉ rõ những lĩnh vực còn tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cần tập trung khắc phục trong thời gian tới của thành phố Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự buổi làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với UBND thành phố Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự buổi làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với UBND thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc.

Nội dung quan trọng được Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu đại diện Đoàn giám sát và đại biểu thành phố Hà Nội nêu lên và thảo luận kỹ là việc kiểm đếm, đánh giá diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng, tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất nông nghiệp, giải quyết câu chuyện đất dịch vụ bởi đây là đặc thù của thành phố Hà Nội; làm sớm công tác quy hoạch đất đai, tính toán để có dư địa cho phát triển, khai thác tối đa nguồn lực đất đai.

Đối với các dự án treo, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề: Đối với đất nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cho phép không cần bố trí theo từng dự án, mà có thể bố trí tập trung, vậy thành phố Hà Nội đánh giá về vấn đề này và nên theo từng dự án hay tiếp tục bố trí tập trung nhà ở xã hội?

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo lại diện tích, số lượng nhà tái định cư chưa sử dụng, diện tích tầng thương mại của khu tái định cư đang bỏ trống và làm rõ vì sao không khai thác được, có vướng mắc gì ở thể chế, chính sách không hay do tổ chức thực hiện.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các sở, ngành của thành phố Hà Nội giải trình cụ thể về 12 ý kiến được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra tại phiên làm việc sáng nay liên quan 58 vấn đề cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn Hà Nội.

Qua các ý kiến giải trình, phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chuẩn bị báo cáo nghiêm túc, đầy đủ, có ý thức nêu cao tinh thần tiết kiệm, thực hành chống lãng phí không chỉ ở lĩnh vực công, mà ngay cả lĩnh vực tư cũng làm rất tốt.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điểm sáng của thành phố Hà Nội là thực hiện rất tốt, rất nỗ lực Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập.

Thành phố Hà Nội đã có riêng Ban Chỉ đạo về vấn đề này, các đơn vị sự nghiệp công tiết kiệm cả về số lượng cán bộ cấp phòng; biên chế sự nghiệp của thành phố chưa dùng hết, nhờ đó, tỷ lệ chi thường xuyên của Hà Nội ở khoảng 49-51% là rất lý tưởng.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội rất chú trọng cắt giảm định mức, tiêu chuẩn, chế độ, qua đó tiết giảm được nhiều chi phí, từ vệ sinh môi trường, sửa chữa đê điều, chiếu sáng… Thành phố rất chủ động, rà soát thường xuyên dự án treo, dự án chậm tiến độ; tỷ lệ thu nội địa (chủ yếu từ thực lực nền kinh tế) của Hà Nội lớn.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Giải trình vấn đề được Chủ tịch Quốc hội đặt ra liên quan tài sản công, lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã rà soát đầy đủ quỹ nhà tái định cư, nhà ở thương mại, nhưng vướng là ở quỹ nhà chuyên dùng.

Những vướng mắc này, thành phố Hà Nội đã rà soát báo cáo với Bộ Tài chính để có hướng dẫn cụ thể đưa quỹ nhà chuyên dùng vào quản lý, sử dụng có hiệu quả.

Với nhà tái định cư, Hà Nội đã thống kê và rà soát, tuy nhiên, cơ chế xác định giá khởi điểm còn vướng mắc khó khăn, nên đang xác định lại nguyên tắc xác định giá khởi điểm…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm, hiện nay dự án nhà ở xã hội đang được Hà Nội quan tâm theo chương trình phát triển nhà ở và nhu cầu của người dân.

Quan điểm của thành phố là nên phát triển nhà ở xã hội theo hướng tập trung thay vì phát triển nhỏ lẻ, và hiện cũng đang đề xuất cơ chế, chính sách theo hướng này.

Thành phố Hà Nội đang tiếp tục rà soát các dự án còn chậm, những dự án không đáp ứng yêu cầu, thủ tục pháp lý thì thu hồi và thực hiện đấu thấu, đấu giá, tạo nguồn vốn hỗ trợ lại cho đầu tư công…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nâng cao hiệu quả nguồn lực tài sản công. Thành phố Hà Nội đang rất nỗ lực làm tốt công việc này, rà soát, đánh giá phân loại từng loại tài sản công, nhất là tài sản đất đai; giám sát toàn bộ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.

Chú trọng nâng cao hiệu quả trên 3 lĩnh vực: tài chính, tài sản công (nghiên cứu toàn bộ đơn giá, định mức, trước hết ở lĩnh vực giáo dục); đất đai và các dự án đầu tư công; đẩy mạnh vận hành hệ thống chính quyền, trọng tâm là quản lý đô thị.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao thành phố Hà Nội đã làm việc với thái độ hết sức nghiêm túc, chuẩn bị báo cáo công phu, sâu sắc, toàn diện có tính chiến đấu cao, thẳng thắn chỉ ra tồn tại hạn chế, quy rõ trách nhiệm trên cơ sở tự tổ chức giám sát nhiều lần.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp thu nghiêm túc đầy đủ ý kiến tại cuộc làm việc hôm nay để hoàn thiện tốt nhất báo cáo của đoàn giám sát, cố gắng lượng hoá những vấn đề được chỉ ra; làm rõ khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan, rõ trách nhiệm các cấp để có giải pháp khắc phục theo đúng đề cương đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch đề nghị Hà Nội cung cấp thêm cho đoàn giám sát các kết luận thanh tra, kiểm tra của thành phố, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân về các chương trình mục tiêu đề án thuộc trách nhiệm; đề nghị đề xuất rõ với Chính phủ, các bộ ngành những vấn đề cần kíp, vấn đề nóng để kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, gắn với tổng kết Luật Thủ đô 2013 và đề xuất sửa đổi bổ sung gắn với tiết kiệm chống lãng phí...