Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật

NDO -

Ngày 26/3, tại Bình Dương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị “Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật” với sự tham dự của nhiều địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật trong thời gian qua có chuyển biến tích cực.

Đối với sản phẩm động vật, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đã đến với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; xuất khẩu thịt gà chế biến chính ngạch tới 7 quốc gia và đang đàm phán sang nhiều quốc gia; xuất khẩu mật ong và sản phẩm từ ong đến 18 quốc gia; xuất khẩu thịt lợn đông lạnh, xuất khẩu tổ yến, xuất khẩu bột cá, xuất khẩu lông vũ…cũng đạt nhiều kết quả khả quan.  

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Theo quy định của OIE (Bộ luật về động vật trên cạn của Tổ chức Thú y thế giới) và các nước nhập khẩu, sản phẩm động vật xuất khẩu phải có nguồn gốc từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Một số nước nhập khẩu không cho phép sử dụng vaccine phòng bệnh cho động vật, đặc biệt là đối với động vật thịt. Trong đàm phán xuất khẩu, các nước thường đưa ra đề nghị đánh đổi.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khó tổ chức đoàn công tác đi đàm phán; các nước nhập khẩu khó cử đoàn sang kiểm tra thực tế (hầu hết các nước không chấp thuận kiểm tra trực tuyến).

Ngoài ra, trong quá trình xuất khẩu, các doanh nghiệp chưa tận dụng tối đa cơ hội đối với các thị trường đã mở cửa; nhiều doanh nghiệp được cấp phép nhưng không xuất khẩu…

Về kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật giai đoạn 2022-2025, Cục Thú y cho biết sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; nâng cao chất lượng sản phẩm động vật nhằm đáp ứng được quy định của các thị trường nhập khẩu; xây dựng thành công các chuỗi sản xuất đạt yêu cầu an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của quốc tế và của nước nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y sẽ thành lập Tổ công tác kỹ thuật thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật; hướng dẫn xây dựng cơ sở, chuỗi chăn nuôi, vùng an toàn dịch bệnh; đàm phán thống nhất các yêu cầu, điều kiện xuất khẩu sản phẩm động vật; chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra các nước; tổ chức các đoàn công tác sang các nước nhập khẩu để đàm phán.

Cục Thú y cũng yêu cầu UBND các cấp chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng các cơ sở, chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm hướng đến xuất khẩu; chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh động vật.

Có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư; bố trí kinh phí giám sát các bệnh trên gia súc, gia cầm. Giám sát các chỉ tiêu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm tại các vùng chung quanh chuỗi sản xuất sản phẩm động vật phục vụ xuất khẩu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Tại hội nghị, đại diện ngành nông nghiệp và các địa phương như: Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Nghệ An, Bình Thuận, Nam Định, Thái Nguyên... đã kiến nghị tập trung vào các vấn đề, như: Có biện pháp giảm chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cở sản xuất để giảm chi phí đầu vào sản xuất; hỗ trợ địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật theo OIE hướng tới xuất khẩu; thường xuyên cung cấp các điều kiện của các quốc gia, vùng lãnh thổ có hiệp định xuất, nhập khẩu để tổ chức, cá nhân biết.  

Cần tổ chức các hội nghị thương mại, xúc tiến đầu tư để người chăn nuôi, doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, liên kết xây dựng chuỗi sản xuất và xuất khẩu. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tổng cục Thống kế xây dựng dữ liệu về tổng đàn vật nuôi sát thực tế có tính chính xác cao để có cơ sở tính toán sản lượng thịt trung bình tiêu thụ trong nước nhằm có kế hoạch phát triển.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng là vấn đề rất cần được quan tâm.

Hội nghị này là sự khởi đầu trong việc kết nối thông tin giữa cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội để tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, góp phần không ngừng nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi trong thời gian tới.  

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết, trong năm 2021, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật và thức ăn chăn nuôi mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn tăng trưởng ở mức cao cả về số lượng và kim ngạch (đạt hơn 1,5 tỷ USD), trong đó có phần đóng góp quan trọng của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật chưa tương xứng với tiềm năng của ngành chăn nuôi Việt Nam.  

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, triển khai quyết liệt và đồng bộ việc chuyển đổi số vào chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao nhằm tiết kiệm chi phí. Đẩy mạnh chăn nuôi gắn với chế biến để tăng năng suất và chất lượng xuất khẩu. Chú trọng công tác xúc tiến thương mại một cách quyết liệt liệt hơn. Hỗ trợ việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương. Lưu ý đề án chọn con giống, đề án thức ăn, đề án chế biến và giết mổ, đề án xử lý môi trường và thiết bị chuồng nuôi….