Năm 2024, chỉ số thương mại điện tử tỉnh Bình Định đứng thứ 26 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố; tăng hai bậc; chỉ số giao dịch doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) của tỉnh đứng thứ 30, tăng ba bậc và chỉ số giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) của tỉnh Bình Định đứng thứ 25, tăng ba bậc so với năm 2023.
Tăng cường áp dụng thương mại điện tử
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định Nguyễn Đình Kha cho biết, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đã nhận thức được sự quan trọng của thương mại điện tử và nâng cao năng lực nội tại của đơn vị bằng cách nâng cao nhận thức các nhà quản lý về thương mại điện tử. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã gia tăng ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, đa dạng các kênh mua bán, tiếp thị. Nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ nguồn lực từ các chương trình Đề án của Bộ Công thương, của Ủy ban nhân dân tỉnh và các chương trình khác để ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, không ít nhân sự trong bộ máy chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của thương mại điện tử, dẫn đến thiếu bài bản trong hoạch định chiến lược và triển khai.
Trong giai đoạn 2021-2024, Bình Định đã hỗ trợ 45 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn xây dựng website thương mại điện tử; hỗ trợ 40 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain…) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh đã hỗ trợ 20 doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử lớn của thế giới; tám doanh nghiệp xây dựng, sử dụng chương trình tối ưu hóa hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp thông qua các công cụ e-business (phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý khách hàng).
Năm 2024, chỉ số thương mại điện tử tỉnh Bình Định đứng thứ 26 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố; tăng hai bậc; chỉ số giao dịch doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) của tỉnh đứng thứ 30, tăng ba bậc và chỉ số giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) của tỉnh Bình Định đứng thứ 25, tăng ba bậc so với năm 2023.
Đến nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng đạt tỷ lệ cao, năng lực vận hành thương mại điện tử, phát triển thương hiệu sản phẩm ngày càng định hình rõ nét. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng.
Theo Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định Nguyễn Hoàng Đức Hậu, các doanh nghiệp nói chung, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu thông tin, không có cơ hội tiếp cận thị trường và gặp khó khăn trong việc kết nối với các đối tác. Doanh nghiệp chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường, các chính sách hỗ trợ, cũng như các cơ hội hợp tác. Nhiều doanh nghiệp chưa biết cách xây dựng mạng lưới quan hệ, kết nối với các doanh nghiệp khác, từ đó hạn chế khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh. Do vậy, việc tạo dựng một nền tảng trực tuyến cung cấp thông tin về thị trường, các chính sách hỗ trợ là cần thiết nhằm kết nối, thành lập các hiệp hội theo ngành nghề, tạo nên một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ để hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm.
Nâng cao tỷ trọng đóng góp của thương mại điện tử
Hiện nay, website thương mại điện tử kết nối giao thương giữa tỉnh Bình Định và các tỉnh phía nam nước Lào (http://vietlao.vn) với tính năng song ngữ (Việt, Lào) góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương hiệu của tỉnh Bình Định đến các tỉnh nam Lào, đồng thời giới thiệu các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng.
Đến nay, hơn 300 doanh nghiệp đã tham gia giới thiệu các sản phẩm tại website nêu trên. Ngoài ra còn có website Bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh Bình Định (http://bandohangvietbinhdinh.vn), đây là địa chỉ trực tuyến phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin, địa chỉ các điểm bán hàng cho người dân, du khách trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm thể hiện trên bản đồ được phân loại theo từng ngành hàng cụ thể giúp người dùng thuận lợi trong tra cứu, mua sắm. Bản đồ còn có tính năng định vị và chia sẻ chính xác các vị trí cửa hàng gần nhất, qua đó giúp du khách tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm cửa hàng.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) chia sẻ, năm 2023, doanh số bán lẻ trực tuyến về thương mại điện tử của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD. Mặc dù con số này còn khá khiêm tốn so với các quốc gia khác, tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm, đây là con số khá ấn tượng và đang tiếp tục phát triển, đạt trung bình khoảng 20%/năm từ nay cho đến năm 2030.
Hiện nay, thương mại điện tử ở Việt Nam và các nước trên thế giới phát triển liên tục và có rất nhiều công cụ, nền tảng để có thể triển khai thời gian tới. Thí dụ như nhiều doanh nghiệp đang chú ý tới nền tảng TikTok shop để livestream bán hàng. Ngoài nền tảng này, còn rất nhiều công cụ bán hàng khác được đông đảo nhà bán hàng tham khảo. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ AI để hỗ trợ xúc tiến, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng từ A đến Z một cách rất hiệu quả, thuận lợi, do vậy, càng tiếp cận sớm thì càng có lợi thế cạnh tranh khi sử dụng thương mại điện tử.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử của tỉnh Bình Định chiếm khoảng 10,5-11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn, các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về kỹ năng tham gia và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nhất là kỹ năng ứng dụng thương mại để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả. Trong đó, doanh nghiệp cần tập trung kỹ năng về công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường số.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử đang trở thành công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ dàng tiếp cận thị trường, mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm phát triển thị trường, đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp với các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, TikTok shop, Alibaba…, các giải pháp logistics toàn diện sẽ giúp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời kỳ hiện đại hóa.
“Đặc biệt, thông qua hợp tác giữa doanh nghiệp địa phương và các đối tác công nghệ, chúng ta có thể cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa khắc phục khó khăn, vượt qua những rào cản trong quá trình chuyển đổi số”, ông Hoàng nhận định.