Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử

NDO - Chiều 23/9, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử", nhằm thảo luận về những giải pháp nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này.
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: VGP)
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Tham gia Tọa đàm có sự hiện diện của các đại biểu uy tín và giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT) và quản lý thuế: Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính); ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương; Tiến sĩ Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối Doanh nghiệp của VNPAY; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính.

Nhiều giải pháp đồng bộ thu đúng, thu đủ từ hoạt động TMĐT

Doanh thu thuế từ TMĐT tăng đều qua các năm: 83.000 tỷ đồng (2022), 97.000 tỷ đồng (2023) và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân: để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, thời gian qua Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật; phối hợp các sàn trong nước, các nền tảng TMĐT nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng; cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện.

Ngành Thuế đã đề xuất giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất, không những thống nhất trong ngành thuế mà còn thống nhất trong các Bộ, ngành có liên quan hoạt động TMĐT; tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin từ nhiều nguồn, đó là thông tin do sàn cung cấp, thông tin do các nền tảng xuyên biên giới cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin thu thập trên internet, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ ngành.

Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử ảnh 2

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương. (Ảnh: VGP)

Trên cơ sở đó, ngành Thuế thực hiện khai thác, xử lý thông tin để rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu; xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, theo đó áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế; tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành, trong các tổ chức, các nhân kinh doanh thương mại điện tử ; doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh thương mại điện tử; các đơn vị vận chuyển; trung gian thanh toán…

Và một giải pháp cuối cùng rất quan trọng, đó là ngành Thuế sẽ phối hợp với bộ ngành chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bộ Công an cùng với cơ quan Thuế sẽ rà soát và đồng nhất Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu mã số thuế; Bộ Công thương sẽ cung cấp dữ liệu về sàn giao dịch TMĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chia sẻ dữ liệu về các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; Ngân hàng Nhà nước sẽ thông tin về dòng tiền thanh toán, về tài khoản cá nhân.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương: TMĐT Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm, cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam vào thời điểm đó đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương thì quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh như thế này đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, trong đó có chủ đề chúng ta bàn hôm nay, đó là việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.

Nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, một trong những mấu chốt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý một cách toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Trên môi trường điện tử, hoạt động quản lý của chúng ta phải tận dụng tối ưu những công cụ trên môi trường trực tuyến, điện tử. Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg, trong hơn 1 năm qua, Bộ Công thương đã phối hợp rất chặt với các cơ quan liên quan như Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông để ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế.

Bộ đã xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT trên Cổng Thông tin quản lý về TMĐT (online.gov.vn), tại đó có dữ liệu khá đầy đủ về những doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT bán hàng và các sàn giao dịch TMĐT đã thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký với Bộ Công thương. Bộ là cơ quan quản lý đối với chủ thể sở hữu các website và nền tảng TMĐT. Và chúng tôi đã tiến hành chia sẻ dữ liệu đó với cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương ở tất cả các địa phương và hiện nay đang thực hiện việc kết nối, chia sẻ với Tổng cục Thuế.

Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử ảnh 3

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Bộ đã chia sẻ dữ liệu về hơn 1.000 chủ thể sở hữu nền tảng TMĐT ở dạng website hay dạng ứng dụng; tiến tới chia sẻ dữ liệu của khoảng 50.000 những chủ thể sở hữu website TMĐT bán hàng. Bộ Công thương hy vọng rằng thông tin chia sẻ, kết nối, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thể tăng hiệu quả công tác quản lý, giúp giảm thời gian cho doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục với nhiều cơ quan khác nhau.

Yếu tố thứ hai mà Bộ Công thương làm trong giai đoạn qua là ứng dụng công nghệ thông tin, những công nghệ mới phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để giúp sàng lọc thông tin, giám sát hoạt động TMĐT trên môi trường trường trực tuyến và phát hiện hành vi sai phạm. Đây cũng là một công tác để có thể giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các chủ thể kinh doanh cũng là một lĩnh vực rất quan trọng.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch với 7 nhóm và 25 nhiệm vụ cụ thể; giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong bộ để triển khai, hỗ trợ Tổng cục Thuế trong quá trình triển khai công tác thu thuế trên hoạt động TMĐT.

Thứ nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật: tháng 12/2023 đã ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0, Chính phủ số. Khung này đã thay cho khung kiến trúc Chính phủ 2.0 năm 2019. Theo đó quy định toàn bộ những cấu trúc, mô hình nghiệp vụ, nghiệp vụ về dữ liệu, về an toàn thông tin, về tất cả các cấu trúc, để toàn bộ các bộ, ngành, địa phương có thể dựa trên khung kiến trúc Chính phủ điện tử, xây dựng toàn bộ cấu trúc của các nghiệp vụ, của các dữ liệu và để trao đổi thông tin một cách thông suốt giữa các bộ, ngành, địa phương trên nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu Quốc gia, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, Nghị định 47/2020/NĐ-CP về kết nối các cơ sở dữ liệu và trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, cũng như Nghị định 47/2024/NĐ-CP về cơ sở dữ liệu Quốc gia cũng đã quy định rất rõ về hoạt động của các cơ sở dữ liệu, về cách thức trao đổi dữ liệu trên toàn bộ hệ thống các cơ quan Nhà nước, bảo đảm cho dữ liệu được thông suốt, để đối soát dữ liệu phục vụ cho hoạt động giao dịch điện tử nói chung và thương mại điện tử nói riêng.

Thứ ba, về kết nối các cơ sở dữ liệu, đối với TMĐT có một số kết nối cơ sở dữ liệu; đặc biệt, quan trọng nhất là cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế liên quan đến cơ sở dữ liệu về hóa đơn, cơ sở dữ liệu về thuế. Cơ sở dữ liệu thứ hai rất quan trọng là cơ sở dữ liệu các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động TMĐT. Cơ sở dữ liệu thứ ba cũng rất quan trọng là cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, kết nối toàn bộ hệ thống tài khoản của tổ chức, cá nhân để bảo đảm dòng tiền thông suốt.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu của Bộ thông tin và Truyền thông gồm: cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình; truyền hình trả tiền trong nước và xuyên biên giới; các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo; cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát, đó là một khâu trong TMĐT; cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp công nghệ số, sản xuất các thiết bị; đặc biệt các cơ sở dữ liệu liên quan đến các website có tên miền .vn, có liên quan đến điện tử,...

Cuối cùng là cơ sở dữ liệu của Bộ Công an với hệ thống VNeID rất hoàn thiện, có thể gắn kết được các chủ doanh nghiệp với VNeID, giúp dữ liệu được xác thực một cách thông suốt, đấy là việc kết nối các cơ sở dữ liệu. Toàn bộ được thực hiện trên các nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia, Bộ, ngành, địa phương.

Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử ảnh 4

Tiến sĩ Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY phát biểu tại Toạ đàm (Ảnh: VGP)

Thứ tư, về dữ liệu, Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương trong việc bảo đảm dữ liệu theo đúng quy định tại Nghị định 47 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia. Thứ hai dữ liệu phải được làm sạch, phải được phân loại, dán nhãn, bảo đảm đúng, đủ, sạch, sống. Đặc biệt là loại bỏ những dữ liệu trùng lặp có liên quan, bảo đảm khi kết nối các cơ sở dữ liệu hoạt động hiệu quả.

Đối với những cơ sở dữ liệu đó, chúng ta áp dụng những công nghệ như chị Việt Anh nói, như: Al, Blockchain,... để chúng ta có thể phát hiện ra những hoạt động bất thường, phục vụ cho công tác thương mại điện tử thay đổi rất nhanh trên môi trường mạng.

Cuối cùng là công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm dữ liệu luôn luôn đúng, đủ, sạch, sống, đó là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng tiêu chuẩn như: bảo đảm kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử.

Tiến sĩ Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY đề xuất nên bóc tách đâu là dòng tiền thương mại và dòng tiền phi thương mại của các chủ sở hữu để từ đó cơ quan thuế có thể xác định được đâu là trách nhiệm thuế, đâu là nghĩa vụ thuế của các đơn vị tham gia bán hàng. Với các nước phát triển, việc xác minh, bóc tách các dòng tiền thương mại đối với các tài khoản tham gia thương mại, họ đã triển khai từ lâu, từ đó các cơ quan đơn vị rất dễ dàng quản lý thu đúng thu đủ.

Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử ảnh 5

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính phát biểu tại Toạ đàm. (Ảnh: VGP)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính đánh giá, trong thời gian gần đây, khi chúng ta có VNeID của Bộ Công an thì việc tích hợp các dữ liệu của rất nhiều cơ quan đang tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ Tổng Cục thuế quản lý TMĐT này mà nó còn là điều kiện để chúng ta quản lý tốt hơn các lĩnh vực khác liên quan đến cả kinh tế và xã hội.

Bà Lại Việt Anh kiến nghị, thời gian tới cần sự phối hợp tích cực giữa Bộ Công thương, Bộ Tài chính (mà cụ thể là Tổng cục Thuế) trong việc đồng bộ hóa các tiêu chí quản lý dữ liệu từ 2 hệ thống sao cho đảm bảo đồng bộ ngay từ đầu; việc này cần phải thực hiện ngay từ khâu đầu tiên, đó là khởi tạo tài khoản của doanh nghiệp trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Hiện nay, Bộ Công thương chủ trương là lấy mã số thuế của doanh nghiệp, của các hộ kinh doanh là trường dữ liệu chính. Và khi doanh nghiệp khởi tạo một tài khoản trên hệ thống của Bộ Công thương thì ngay lập tức mã số thuế của doanh nghiệp sẽ được khớp nối, đối chiếu theo thời gian thực với dữ liệu của Tổng cục Thuế. Và việc đồng bộ hóa các tiêu chí dữ liệu cơ bản giữa 2 hệ thống của hai đơn vị, cũng như sự cập nhật thường xuyên dữ liệu sẽ giúp cho hiệu quả quản lý của hai cơ quan được tốt hơn.