Theo Bộ Công thương, trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam phát triển rất nhanh, duy trì từ 20-25%/năm. Cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023 đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế
TMĐT phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh như thế, đặt ra bài toán phải phát triển bền vững như việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ cá nhân, kinh doanh thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng TMĐT nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng. Cùng với đó, ngành thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử.
“Số thu thuế từ TMĐT tăng đều qua các năm với sự tham gia không chỉ từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon. Cụ thể, năm 2022, số thu thuế từ thương mại đạt 83.000 tỷ đồng, năm 2023 đạt 97.000 tỷ đồng, chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng”, đại diện Tổng cục Thuế thông tin.
Trong thời gian tới, ngoài đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện, Tổng cục Thuế đã đề xuất một số nội dung trong quá trình sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn theo hướng tăng cường trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán tại nguồn của các sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến, đồng thời tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn TMĐT và các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics. “Việc quy định như vậy sẽ giúp giảm rất nhiều gánh nặng tuân thủ đối với các nhà cung cấp, cũng như nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý thuế. Một số quốc gia áp dụng cơ chế này đối với người nộp thuế trong nước”, bà Lan Anh nhìn nhận.
Dồn gánh nặng cho doanh nghiệp?
Tuy vậy, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) bày tỏ không đồng tình quy định các sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT. Bởi theo quy định tại Nghị định 52 của Chính phủ, sàn TMĐT là “website/ứng dụng thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó”.
Mặt khác, sàn TMĐT cũng không thuộc 5 trường hợp tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập cho cá nhân quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Do đó, việc buộc trách nhiệm cho các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT là không phù hợp với quy định tại Luật Thuế TNCN.
Cùng với đó, hiện nay thuế TNCN và thuế GTGT được áp dụng với nhiều mức thuế khác nhau cho các đối tượng, hàng hóa, dịch vụ khác nhau. Việc phân loại người bán, cũng như phân loại mặt hàng, dịch vụ để tính toán mức thuế, kê khai và nộp thuế hầu như chưa thể thực hiện được một cách tự động đối với các sàn TMĐT. Về bản chất, việc kê khai thay, nộp thuế thay, chính là thu thuế thay cho cơ quan thuế. Đây là vấn đề nằm ngoài chuyên môn, lĩnh vực hoạt động chính của các sàn TMĐT nên sẽ tạo cho các sàn TMĐT gánh nặng rất lớn trong việc đầu tư và vận hành.
Hơn nữa, mặc dù quy định này có thể giúp giảm đầu mối kê khai, giảm gánh nặng cho cơ quan thuế, nhưng mọi gánh nặng lại được đặt lên các sàn TMĐT vốn không có chuyên môn và không phải là đại lý thuế. Điều này có thể gây hoang mang cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. “Chúng tôi ủng hộ nguyên tắc người kinh doanh phải nộp thuế. Tuy nhiên, nếu không có nghiên cứu cụ thể và thấu đáo, quy định này có thể tạo ra những bất bình đẳng và gánh nặng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, vốn là những đối tượng yếu thế và dễ tổn thương trong nền kinh tế”, VECOM khẳng định.
Phản hồi về vấn đề này, tại họp báo Bộ Tài chính cuối tuần qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, các quy định này nhằm tăng hiệu quả quản lý thuế, đặc biệt với thương mại điện tử. Theo Nghị định 91, các sàn phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Ngoài ra, các bên liên quan như ngân hàng, công an đều có trách nhiệm thực hiện việc này, để quản lý thu thuế. Các sàn đã cung cấp thông tin rồi, giờ chỉ thêm một bước là khai, nộp thuế thay cho người bán.
Thực tế, các nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam đã khai, nộp thay người bán qua cổng thông tin điện tử do ngành thuế quản lý. Hiện, 108 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook... thực hiện. Tính đến giữa tháng 8, họ đã nộp hơn 6.234 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc áp dụng với doanh nghiệp trong nước nhằm bảo đảm công bằng. Nhà cung cấp nước ngoài làm được, không lý do gì, sàn thương mại điện tử trong nước không thể khai, nộp thay và về kỹ thuật các sàn hoàn toàn có thể thực hiện được việc cung cấp này. “Qua phỏng vấn sàn thương mại điện tử trong nước, giám đốc các doanh nghiệp này đều khẳng định nếu chính sách được ban hành, họ có thể thực hiện được việc khai, nộp thay cá nhân bán hàng trên sàn”, ông Minh nêu rõ.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, trong bối cảnh TMĐT phát triển mạnh mẽ thì việc thay đổi cách thức quản lý thuế là điều đương nhiên. Nhấn mạnh các giải pháp mới mà Bộ đưa ra đều được cân nhắc kỹ lưỡng, dù vậy, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thuế cùng các bên liên quan cần tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý để nếu cần thiết thì điều chỉnh cho phù hợp.