Phát triển bền vững thương mại điện tử

Theo báo cáo, doanh thu thuế từ thương mại điện tử (TMĐT) tăng đều qua các năm, cụ thể, năm 2022 là 83.000 tỷ đồng, năm 2023 đạt 97.000 tỷ đồng và chỉ 7 tháng năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng.
Hướng dẫn người dân kê khai thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: NAM ANH
Hướng dẫn người dân kê khai thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: NAM ANH

Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon. Tuy nhiên, chính tính linh hoạt của TMĐT đã đặt ra nhiều thách thức mới đối với việc quản lý thuế.

Tăng trưởng nhanh nhưng thách thức lớn

Chia sẻ tại tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử", Vụ trưởng Kinh tế số và Xã hội (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) Trần Minh Tuấn khẳng định, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ TT&TT đã nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch với 7 nhóm và 25 nhiệm vụ cụ thể; giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ để triển khai, hỗ trợ Tổng cục Thuế trong quá trình triển khai công tác thu thuế trên hoạt động TMĐT.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, thời gian qua Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Đồng thời, ngành thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử…

Bà Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh: “Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, Tổng cục Thuế đã và đang không ngừng mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử bao gồm: Khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử bảo đảm cấp độ 4.0, hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế nói chung, người nộp thuế kinh doanh TMĐT nói riêng trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế”.

Dẫn chứng và phân tích các số liệu, Phó Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), bà Lại Việt Anh cho hay, TMĐT phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 khi giãn cách xã hội và giảm sự tiếp xúc giữa các đối tượng.

Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh cần đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, đó là việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.

“Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, một trong những mấu chốt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý một cách toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Hoạt động quản lý của chúng ta phải tận dụng tối ưu những công cụ trên môi trường trực tuyến, điện tử”, Phó Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh nêu quan điểm.

Dùng công nghệ số để “quản” TMĐT

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, TMĐT là hình thức kinh doanh mới trên thế giới, là hình thức thay đổi rất nhanh chóng, trong khoảng thời gian rất ngắn đã có những hình thức kinh doanh mới ra đời. Vì vậy, việc quản lý TMĐT cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm sao thu đúng, thu đủ, thu chính xác đối với hoạt động TMĐT trở thành khó khăn chung với hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những cơ quan thuế rất phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu…

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phối hợp quản lý hoạt động TMĐT. Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi chúng ta có VNeID của Bộ Công an, việc tích hợp các dữ liệu của rất nhiều cơ quan đang tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ Tổng cục Thuế quản lý TMĐT mà còn là điều kiện để quản lý tốt hơn các lĩnh vực khác liên quan đến cả kinh tế và xã hội. Đây là những nỗ lực chung của các cơ quan, ban, ngành trong hoạt động kinh tế số, góp phần thực hiện quyết tâm xây dựng toàn diện nền kinh tế số.

Cũng theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, một số việc cần làm ngay và cấp bách là hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách; tiếp đó là xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, kho dữ liệu, bởi điều này không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ mà còn bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, an ninh xã hội.

Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ, chúng ta phải dùng chính công nghệ mới và công nghệ số để quản lý hoạt động TMĐT. Ngoài ra, cần tuyên truyền để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng, đủ cho Nhà nước.

Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT, tại tọa đàm, các đại biểu đã nêu hàng loạt giải pháp, kiến nghị, trong đó nhấn mạnh: Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đầy đủ, cụ thể, áp dụng đối với từng chủ thể, nhằm bảo đảm phù hợp với các thông lệ quốc tế, phù hợp với các đặc thù của Việt Nam.

Cần bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, yêu cầu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT.

Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các chủ thể kinh doanh, phổ biến cho doanh nghiệp nắm rõ quy định pháp luật, những nghĩa vụ liên quan và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ về thuế trong quá trình thực hiện kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Khi đã tuyên truyền đúng, đủ mà các doanh nghiệp vẫn tiếp tục có những hành vi vi phạm pháp luật về TMĐT, pháp luật về thuế thì buộc phải có những biện pháp mạnh tay trong vấn đề thu hồi website, thu hồi giấy phép đã cung cấp, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó là nâng cao trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán tại nguồn của các sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến, đồng thời tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn TMĐT và các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Đẩy mạnh hơn triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia, kể cả trên hoạt động TMĐT lẫn trong hoạt động truyền thống, đồng thời cũng bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng khi có hóa đơn để có thể khiếu tố, phản hồi, từ đó bảo đảm cho hoạt động TMĐT tốt nhất.

Trong lúc còn quá nhiều việc phải làm để quản lý, TMĐT vẫn đang phát triển như "vũ bão". Sức người trong một số hoàn cảnh gần như "hụt hơi" trước đà tiến của công nghệ. Nếu chúng ta không có sự thay đổi linh hoạt cùng với áp dụng công nghệ, cả một thị trường lớn sẽ dần khó nắm bắt và quản lý.