Xu thế toàn cầu
Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc khai thác tối đa tiềm năng ở mỗi địa phương, đồng thời tạo ra một thị trường nội địa thống nhất và năng động, Đảng và Nhà nước đã không ngừng ban hành những chủ trương, chính sách, cơ chế đầu tư hết sức ưu đãi. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử nổi lên như một động lực quan trọng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nềnkinh tế.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết, chuyển đổi số đã và đang được ứng dụng trong mọi khía cạnh đời sống doanh nghiệp, làm thay đổi cách chúng ta tương tác với nhau, từ cách tương tác giữa Chính phủ với Chính phủ thông qua kết nối điện tử trực tiếp giữa cơ quan Việt Nam với các nước thuộc ASEAN qua cơ chế một cửa. Hoặc cách Chính phủ tương tác với người dân, doanh nghiệp thông qua quản trị dịch vụ công trực tuyến, hóa đơn điện tử… Trong đó, nhiều giải pháp công nghệ số đã được ứng dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, nhiều chính sách, thị trường đã thay đổi, trải nghiệm người tiêu dùng cũng khác nên chúng ta có thể thấy rõ sự chuyển dịch từ kinh tế truyền thống sang kinh tế số trong 2 năm vừa qua là rất rõ ràng.
Thông qua liên kết vùng giúp các thành viên tiết kiệm nguồn lực đầu tư cũng như phát triển nhanh, bền vững mà không ảnh hưởng chênh lệch quá lớn giữa các địa phương. Từ đó giúp hạn chế việc di dân và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến tiếp cận các cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, liên kết vùng không chỉ là sự kết nối các thành viên trong vùng mà còn là sự kết nối của vùng đó với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế toàn quốc và toàn cầu để làm sao mà thông qua ứng dụng, các nền tảng hiện đại để tạo ra sự phát triển thương mại điện tử bền vững.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh và năng động nhất trên thế giới. Khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung là địa bàn đặc biệt quan trọng, đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, người dân cần cù chịu khó, luôn kiên cường vượt qua khó khăn. Các tỉnh, thành phố trong khu vực này phần lớn có chung bờ biển, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng nên được định hướng tập trung phát triển kinh tế biển với các sản phẩm chủ lực như hải sản chế biến, đồ khô, nước mắm, các sản phẩm từ yến…
Do vậy, bài toán đặt ra phải làm thế nào để các địa phương trong vùng tận dụng được thương mại điện tử để đưa các sản phẩm thế mạnh địa phương mở rộng, không chỉ trong vùng mà còn ra các khu vực khác trong cả nước và quốc tế. Đặc biệt, các sản phẩm này không cạnh tranh mà tạo ra sự liên kết hỗ trợ nhau ở mỗi địa phương để phát huy lợi thế của phương thức phân phối hàng hóa hiện đại này.
Thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hình thức trực tuyến của các ngân hàng thương mại ngày càng phổ biến. Ảnh TÙNG LƯƠNG |
Còn nhiều thách thức
Dù có nhiều lợi thế để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả, song số lượng doanh nghiệp trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung tham gia các sàn thương mại còn khá khiêm tốn, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba, Amazon… Hiện doanh số người bán còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng sản phẩm của các địa phương.
Hơn nữa, thời gian và chi phí vận chuyển là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng song chưa được quan tâm, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, việc quan tâm đầu tư xây dựng các trung tâm kho vận (logistics) sẽ giúp rút ngắn được thời gian giao hàng đến tay khách hàng. Tuy nhiên, lĩnh vực logistics của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng rất nhiều đến sự tăng trưởng của giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C).
Ông Đỗ Hoàng Hải, Phó Giám đốc phụ trách sàn Nông sản và Thương mại điện tử (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) cho biết, trong những năm qua, sàn thương mại điện tử Buudien.vn đã triển khai các chương trình hợp tác về thương mại, tổ chức doanh nghiệp để thúc đẩy các chương trình hợp tác tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh Bình Định và các tỉnh khu vực miền trung-Tây Nguyên. Trong đó có nhiều sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao có thể xuất khẩu qua thương mại điện tử thông qua các hình thức B2B để đến với thị trường nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng đối với địa bàn tỉnh Bình Định và khu vực miền trung-Tây Nguyên, sàn thương mại điện tử Buudien.vn đã đưa hơn 900 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy truyền thông quảng bá nhiều nhóm sản phẩm đặc trưng như cà-phê, hồ tiêu, ca-cao, gạo, mì, bưởi…
Do vậy, phát triển kinh tế số muốn thành công phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng kỹ năng số của người dân và việc tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn trực tiếp cùng với tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân các cấp… là rất cần thiết để phổ cập, hướng dẫn cài đặt và sử dụng app mua hàng trên sàn thương mại điện tử.
Cùng với đó, công tác thống kê, khai thác dữ liệu, kết xuất dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước, quản lý thuế từ hoạt động thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử tại địa phương chưa đầy đủ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, hiện nay, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Định phát triển khả quan, quá trình phát triển thương mại điện tử đã chuyển biến tích cực từ giai đoạn hình thành, tạo lập hạ tầng sang phổ biến rộng rãi và đang từng bước đi vào cuộc sống. Người dân dần thay đổi thói quen từ phương thức mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng trực tuyến.
Các doanh nghiệp trên địa bàn đã quan tâm đến thương mại điện tử, chủ động tham gia các ứng dụng, sàn thương mại điện tử để trao đổi mua bán, xây dựng website riêng. Đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tăng năng suất hoạt động, hiệu quả quản lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Việc triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử của tỉnh đã đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý Nhà nước và đại bộ phận các doanh nghiệp trong tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.