Thúc đẩy thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh

NDO -

Ngày 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo quốc tế “Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam”.

Hội thảo quốc tế “Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam”. (Ảnh: UN Women)
Hội thảo quốc tế “Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam”. (Ảnh: UN Women)

Tiếp nối động lực và các cam kết từ Hội thảo quốc tế về phụ nữ, hòa bình và an ninh do Việt Nam đăng cai tổ chức thành công tại Hà Nội vào cuối năm 2021, hội thảo quốc tế hôm nay đã quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực phụ nữ, hòa bình và an ninh và hơn 100 đại biểu tới từ Quốc hội, các Bộ, ngành Chính phủ Việt Nam, các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức khác.

Dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, các đại biểu đã thảo luận về cách thức thúc đẩy quá trình xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh cho Việt Nam, như một phần cam kết quốc tế trong thực hiện Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Bằng cách xem xét sáu mô hình kế hoạch hành động quốc gia khác nhau từ Canada, Na Uy, Sudan, Uganda, Indonesia và Thái Lan, hội thảo đã nâng cao nhận thức của các bên liên quan phía Việt Nam về tầm quan trọng chiến lược của việc cần có một kế hoạch hành động rõ ràng về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Thông qua việc chia sẻ các thông lệ quốc tế tốt về triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và các quy trình ra quyết định liên quan, hội thảo cũng kêu gọi sự hợp tác cấp bộ giữa các cơ quan Chính phủ về xây dựng một lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia thể hiện rõ tầm nhìn và hoài bão của Việt Nam nhằm thúc đẩy Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh được chuẩn bị nguồn lực tốt là một điều khoản thiết yếu trong Cam kết hành động Hà Nội, là văn kiện kết quả của Hội nghị toàn cầu về phụ nữ, hòa bình và an ninh được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 12 năm 2020. 

Thúc đẩy thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hoà bình và An ninh -0
   Ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: UN Women)

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng các kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh sẽ giúp kết nối, định hướng và điều phối các nỗ lực ở cấp quốc gia với mục tiêu đẩy mạnh vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong các tiến trình hòa bình. Ông khẳng định việc nghiên cứu các kế hoạch này sẽ mở ra một hướng đi mới nhằm tiếp tục các sáng kiến ​​của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời phát huy vai trò tích cực, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và phụ nữ, hòa bình và an ninh nói riêng.

"Kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh có thể là một công cụ mạnh mẽ và bổ sung cho những nỗ lực hiện có của Chính phủ nhằm tăng cường bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ... Ý chí chính trị và cam kết mạnh mẽ có thể giúp Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết tâm tăng cường thực hiện Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh", bà Rana Flowers, quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phát biểu.

Thúc đẩy thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hoà bình và An ninh -0
  Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: UN Women)

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: “Kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh sẽ cho phép Chính phủ Việt Nam phản ánh những nỗ lực hiện có về bình đẳng giới và Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, xác định các ưu tiên và cơ hội trong tương lai, đồng thời bảo đảm tính nhất quán chính sách. Kế hoạch này cũng sẽ giúp tạo ra sự hiệp lực giữa các chiến lược quốc gia như là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. UN Women cùng với các cơ quan khác của Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ cho Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan trong nhiệm vụ này”.

Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị quốc tế về "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả" (tháng 12/2020) và Hội thảo quốc tế về "Thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh: Vai trò của các Chương trình hành động quốc gia" (tháng 11/2021).