Kiểm soát thành công lạm phát
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế thế giới năm 2023 đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, khi xung đột, giao tranh tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi chung, chỉ số lạm phát ở mức cao ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực. Trong bối cảnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2023 chỉ tăng 3,54% so cùng kỳ năm 2022, bình quân năm 2023 chỉ số này tăng 3,25% so năm 2022.
Diễn biến này cho thấy, vai trò của công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá là vô cùng quan trọng. Và không phải ngẫu nhiên trong giai đoạn vừa qua, khi lạm phát ở các quốc gia, nhất là Mỹ và châu Âu tăng cao, chính sách điều hành vĩ mô đều ưu tiên kiểm soát lạm phát.
Theo ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhận thức rõ diễn biến thị trường giá cả luôn là vấn đề nóng và chỉ tiêu về kiểm soát lạm phát luôn quan trọng trong điều hành chính sách vĩ mô, Bộ Tài chính-cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ luôn chủ động tham mưu để Chính phủ có giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương để kiểm soát thành công lạm phát trong năm 2023, góp phần quan trọng giúp kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2023 đạt được kết quả khả quan. Hơn nữa, trong năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt vì lợi ích của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp kịp thời góp phần quan trọng giúp kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2023 đạt được kết quả khả quan. Việt Nam tiếp tục là "điểm sáng" về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024" do Viện Kinh tế-Tài chính phối hợp Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây, nhắc lại việc ở thời điểm đầu năm 2023, nhiều chuyên gia đã không tin con số dự báo lạm phát khoảng 3,5-4%, và cho rằng con số này không khả thi, bởi nhiều nền kinh tế lớn có mức lạm phát tăng mạnh, PGS, TS Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Kinh tế-Tài chính chỉ ra: "Thực tế cho thấy, cuối cùng mục tiêu lạm phát năm 2023 đã đạt thấp hơn nhiều so mục tiêu Quốc hội đã đề ra, tạo tiền đề tích cực cho năm mới 2024".
Dư địa cho năm 2024
Đưa ra phân tích kỹ lưỡng những số liệu của Tổng cục Thống kê về diễn biến lạm phát năm 2023, Phó Viện trưởng Kinh tế-Tài chính Nguyễn Đức Độ nhận định, nếu tăng trưởng GDP trong năm 2024 chỉ xoay quanh mức 6% như nhiều dự báo, tính chung giai đoạn 2020-2024, GDP sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 4,64%, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng. Đây là yếu tố kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nếu triển vọng kinh tế thế giới không thật sự khả quan, giá dầu sẽ khó tăng mạnh, thậm chí có thể giảm mạnh. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. Hơn nữa, do thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, khu vực công nghiệp, xây dựng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng thấp trong năm 2024. Mặt khác, cung tiền và tín dụng trong năm 2023 chỉ tăng trưởng tương đương mức trung bình 5 năm của giai đoạn 2019-2023. Mặc dù lãi suất giảm mạnh trong nửa cuối của năm 2023 nhưng so lạm phát lãi suất huy động 12 tháng vẫn ở mức thực dương khoảng gần 2%.
Theo ông Nguyễn Đức Độ, dự báo áp lực lạm phát từ yếu tố tỷ giá tăng trong năm 2024 sẽ không lớn khi đồng USD đang trong xu hướng giảm giá. Cho dù đồng USD có tăng giá mạnh trên thị trường thế giới thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ can thiệp để ổn định tỷ giá. Nói cách khác, trong năm 2024, với môi trường tiền tệ-tỷ giá ở mức trung tính sẽ khiến giá cả không tăng đột biến và có nhiều nhân tố hỗ trợ cho việc kiểm soát lạm phát.
PGS, TS Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Kinh tế-Tài chính đưa ra dự báo, CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ năm trước sẽ tăng ở mức 3,2-3,5%. Nguyên nhân bởi lạm phát tại các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang có xu hướng giảm về mức 2% và cầu tiêu dùng dần phục hồi. Hơn nữa, giá dầu và một số hàng hóa lương thực không có nhiều rủi ro tăng mạnh. Đồng thời, việc nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền vẫn được duy trì nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Tương tự, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) dự báo, CPI bình quân 2024 so năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,6-3,8%. Yếu tố giúp giảm CPI của Việt Nam là nhờ lạm phát ở các nền kinh tế lớn bắt đầu hạ, giá hàng hóa thế giới đang thấp và khó tăng đột biến. Hơn nữa, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định tạo dư địa kiềm chế đà tăng giá. Song vẫn nên cẩn trọng bởi với độ mở cao của nền kinh tế và phụ thuộc nhiều vào giá nhập khẩu nguyên vật liệu nên diễn biến giá trong nước gắn khá mật thiết với biến động giá nguyên nhiên vật liệu thế giới hiện đang rất khó lường.