Thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong các chung cư cao tầng

NDO -

Ngày 22/10, Bộ Xây dựng (MOC) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức hội nghị Chia sẻ kết quả dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng” đồng thời thảo luận về việc tiếp tục phát triển các công trình nhà xanh và công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội nghị “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại, chung cư cao tầng.” (Ảnh: UNDP)
Các đại biểu tham dự hội nghị “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại, chung cư cao tầng.” (Ảnh: UNDP)

Tham gia Hội nghị có đại diện đến từ Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Xây dựng, các hiệp hội, các chủ sở hữu và chủ đầu tư công trình, các đối tác phát triển, đại diện các trường đại học, và các chuyên gia quốc tế và trong nước về công trình xanh và công trình tiết kiệm năng lượng.

Xây dựng là ngành sử dụng nhiều năng lượng, chiếm khoảng 35% - 40% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia, trong đó chủ yếu là tiêu thụ điện. Tuy nhiên, ngành này cũng có tiềm năng lớn về sử dụng năng lượng hiệu quả. Việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà có thể được tiết kiệm từ 25 - 67%, điều này sẽ giúp giảm chi phí vận hành tòa nhà và lượng khí thải CO2, mang lại lợi ích về môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Việc phát triển và thúc đẩy các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả ở Việt Nam với sự hỗ trợ bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua UNDP, đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, làm giảm lượng khí thải nhà kính trực tiếp là 73.035 tCO2.

Dự án đã cung cấp các nghiên cứu và kiến nghị về chính sách và kỹ thuật để đưa quy định về công trình xanh và công trình sử dụng hiệu quả năng lượng vào Luật sửa đổi, bổ sung nhiều điều của Luật Xây dựng (tháng 6/2020) và Nghị định hướng dẫn quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định số 15/2011/NĐ-CP); 5 tiêu chuẩn kỹ thuật về đặc tính sử dụng năng lượng hiệu quả của vật liệu xây dựng, 6 tiêu chuẩn kỹ thuật về phương pháp lập Hồ sơ tiêu thụ năng lượng cụ thể; 1 định mức chi phí kỹ thuật liên quan đến chi phí dịch vụ tư vấn về tiết kiệm năng lượng và 1 lộ trình phát triển các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam, 2 cơ sở dữ liệu về thiết bị và vật liệu tiết kiệm năng lượng,...

Dự án cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho 23 tòa nhà mới và cải tạo với tổng số 75 giải pháp được áp dụng, giúp tiết kiệm 12 nghìn MWh (giảm 10 nghìn tấn CO2tđ), tương ứng với tiết kiệm 35 tỷ đồng. Điều này cũng chứng tỏ tính khả thi về kinh tế - kỹ thuật của việc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng với chi phí gia tăng bình quân dưới 3% và thời gian hoàn vốn trung bình là 3,5 năm.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Xây dựng cho biết “Dự án mang lại những tác động có ý nghĩa trong ngành xây dựng nói riêng và góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam nói chung”. Ông nhấn mạnh rằng “kết quả và bài học từ 75 giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ được chia sẻ và tiếp tục phát triển và nhân rộng”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, ông Patrick Haverman khẳng định “công trình hiệu quả năng lượng và công trình xanh là yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững và nỗ lực phục hồi xanh của lĩnh vực bất động sản. Cải tạo và phục hồi kinh tế thông qua xây dựng xanh và hiệu quả năng lượng có thể tiết kiệm chi phí lâu dài và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời cải thiện phúc lợi, sức khỏe và môi trường sống và làm việc của người sử dụng”.

Ông nhấn mạnh một số hành động tiếp theo mà Chính phủ Việt Nam có thể xem xét để duy trì sự phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, bao gồm: Chính thức ban hành các công cụ về hồ sơ tiêu thụ năng lượng, định mức năng lượng và hệ thống chứng nhận công trình tiết kiệm năng lượng; thiết kế các cơ chế khuyến khích cụ thể và các mô hình tài chính sáng tạo để tạo điều kiện gia tăng nguồn cung và cầu về các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; triển vọng dài hạn của khu vực tư nhân hướng tới công trình cân bằng năng lượng vào năm 2050 và tiếp tục tăng cường nhận thức của người dân về các đồng lợi ích về sức khỏe, môi trường và giảm hóa đơn tiền điện của công trình sử dụng năng lượng hiệu quả và công trình xanh.

Cũng tại hội nghị, Ban Quản lý dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng” đã thí điểm đánh giá và chứng nhận hiệu quả năng lượng tòa nhà cho 15 công trình tại Hà Nội và 15 công trình tại TP Hồ Chí Minh.

Dự án bắt đầu triển khai vào năm 2016 và kết thúc vào năm 2021 nhằm giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ ngành xây dựng ở Việt Nam, bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.