Từ thực tiễn hoạt động, ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Hợp lực cho rằng, nhờ tích cực triển khai các quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực hoả táng, trong giai đoạn từ 2010-2019, xu hướng hoả táng của người dân tăng lên rõ rệt.
Số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2022, tỷ lệ sử dụng hình thức hoả táng tại các địa phương đã từng bước tăng lên. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa phương có tỷ lệ sử dụng hình thức hoả táng cao nhất (trên 70%).
Nhìn chung, phần lớn các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế phát triển, thiếu quỹ đất… thì tỷ lệ sử dụng hình thức hoả táng cao. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hoả táng đã được nâng lên đáng kể.
Ngoài việc giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, tiết kiệm quỹ đất, hoả táng còn tiết kiệm chi phí, bảo vệ nguồn nước, tránh lây lan dịch bệnh...
Chia sẻ về công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, Tổng công ty cổ phần Hợp lực đang triển khai dịch vụ hoả táng, xây dựng các công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng ở nhiều địa phương trong cả nước, với lò hoả táng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.
Trước đây, công nghệ lắp đặt lò hoả táng cần sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia của hãng ở nước ngoài, hiện nay, các kỹ sư của đơn vị đã chủ động hoàn toàn việc lắp đặt.
Ông Trần Đăng Vỹ, Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội cho rằng, nguyên lý các lò hoả táng hoạt động như nhau, nhưng hiệu quả hơn nếu sử dụng vật liệu bền vững. Để đánh giá chất lượng lò, cần có thời gian vận hành từ 5-6 năm.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến nêu các khó khăn về cơ chế ưu đãi nhà đầu tư, nhận thức của người dân tại một số địa phương về hình thức hoả táng còn hạn chế, giá dịch vụ chưa phù hợp với thu nhập của người dân ở những vùng khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý sau đầu tư, tháo gỡ các khó khăn cho các nhà đầu tư và địa phương. Các nhà đầu tư cần nghiên cứu quy trình vận hành lò hoả táng để đáp ứng tình trạng khẩn cấp.
Dưới góc độ pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan lĩnh vực này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp) nêu ý kiến, hình thức hoả táng là ưu việt, thời gian tới cần có giải pháp để dần trở nên phổ biến ở Việt Nam.
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ hỏa táng. Giá dịch vụ hoả táng cần phù hợp để người dân có thể tiếp cận, thủ tục, giấy tờ liên quan hỏa táng cần đơn giản, nhanh chóng.
Đối với người dân có điều kiện kinh tế khó khăn, có ý kiến cho rằng, bên cạnh ưu đãi của chính quyền các địa phương, cần có nguồn lực xã hội hoá để hỗ trợ người dân có thể tiếp cận dịch vụ này.