Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam

NDO - Chiều 11/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam”.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Lê Việt Nga phát biểu ý kiến.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Lê Việt Nga phát biểu ý kiến.

Diễn đàn là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam”,“Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2023. Đây là Chương trình thường niên do Vụ thị trường trong nước ( Bộ Công thương) và Tạp chí Công thương thực hiện.

Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam” là cơ hội để các cơ quan, đơn vị, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu dùng hàng Việt; từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng hàng Việt trong những năm tiếp theo; qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%),...

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Lê Việt Nga cho biết, sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại. Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart… có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương,…) và giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình; đồng thời đưa ra định hướng để phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới.

Tại Diễn đàn, bà Lê Việt Nga đã đưa ra định hướng để phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp bao gồm (i) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; (ii) Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO); (iii) Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; (iv) Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nghe các tham luận về Phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam trong tình hình mới (triển khai Cuộc Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam); Xu hướng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam trong tình hình mới; Xu hướng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam trong tình hình mới.

Trong khuôn khổ Chương trình, Diễn đàn tập trung thảo luận chủ đề “Nâng cao tâm thế mới cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước” với các diễn giả đại diện cho Viện nghiên cứu, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất và phân phối.