Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 26-2, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long. Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu bật vai trò quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long khi cung cấp 90% sản lượng gạo cho xuất khẩu cả nước.

Ngư dân huyện Trà Cú, Trà Vinh bốc dỡ hải sản tại cảng cá Định An. Ảnh: THANH HUYỀN
Ngư dân huyện Trà Cú, Trà Vinh bốc dỡ hải sản tại cảng cá Định An. Ảnh: THANH HUYỀN

Tuy nhiên, do quy mô sản xuất hộ nông dân nhỏ lẻ, ít áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp, cho nên chất lượng sản phẩm gạo không đồng đều, thường gặp cảnh được mùa mất giá. Để cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển bền vững ngành lúa gạo, nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện và mở rộng mô hình chuỗi liên kết cánh đồng mẫu lớn để doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu sản xuất chế biến, kiểm soát được chất lượng và nông dân không phải lo đầu ra vì được bao tiêu.

* Nhằm hỗ trợ hàng chục triệu nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ hết sản lượng lúa đông xuân 2018-2019, các ngân hàng thương mại đã thống nhất lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn, thực hiện thu mua lúa gạo tạm trữ là 6%/năm, tổng số vốn thực hiện chương trình này là 100 nghìn tỷ đồng. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 50% tổng số vốn này.

* Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc cho biết sẽ thu mua 1,6 triệu tấn gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu năm 2019, trong đó, 85% sản lượng sẽ được thu mua tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

* Đến ngày 25-2, các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đã thu mua 650 nghìn tấn quy gạo, ước tính bằng 1,3 triệu tấn lúa. Nhờ vậy giá lúa IR50404 đã tăng từ 4.500 đến 4.600 đồng/kg, cao hơn 400 đồng/kg so với bốn ngày trước.

* Theo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, hiện nay, sản lượng lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh còn khoảng 240 nghìn tấn quy ra gạo, trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ có khả năng thu mua khoảng 40 nghìn tấn.

* Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ngư dân tỉnh Bạc Liêu khai thác trúng đậm mùa con ruốc, bán được giá cao, thu nhập năm đến bảy triệu đồng/tàu/ngày. Cụ thể, giá ruốc tươi 20 nghìn đồng/kg, ruốc khô dao động 20 nghìn đến 40 nghìn đồng/kg; riêng ruốc khô loại I, trắng đẹp, cỡ lớn, giá lên đến 70 nghìn đồng/kg.

* Những ngày qua, cảng cá Định An, thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đón hàng trăm tàu đánh bắt hải sản xa bờ cập bến. Hầu hết các chủ tàu đều trúng đậm chuyến đi biển đầu tiên năm Kỷ Hợi. Được biết, cảng cá Định An được đầu tư nâng cấp mở rộng bảo đảm khoảng 350 tàu thuyền cập bến neo đậu, tạo thuận lợi cho ngư dân trong tỉnh và ngoài tỉnh tránh trú bão, tiếp nhiên liệu, bán thủy hải sản.