Thúc đẩy quyền và phúc lợi của người khuyết tật trong ASEAN

NDO - Diễn đàn Chính phủ - phi Chính phủ ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển lần thứ 14 năm 2024 mang chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy quyền và phúc lợi của người khuyết tật”.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 4/12, Diễn đàn Chính phủ - phi Chính phủ ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển lần thứ 14 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Đây là sự kiện hằng năm được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển (SOMSWD).

Thúc đẩy quyền và phúc lợi của người khuyết tật trong ASEAN ảnh 1

Đoàn đại biểu Việt Nam dự diễn đàn theo hình thức trực tuyến. (Ảnh Molisa)

Diễn đàn năm nay do Brunei Darussalam chủ trì với vai trò Chủ tịch SOMSWD 2024-2025 sau Việt Nam. Thành phần tham dự diễn đàn gồm các đầu mối SOMSWD, cơ quan Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức của người khuyết tật đến từ các nước thành viên ASEAN; Ban Thư ký ASEAN; và đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực trong lĩnh vực người khuyết tật.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối SOMSWD của Việt Nam có các đại biểu tham dự diễn đàn theo hình thức trực tuyến cùng đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan.

Trong bài phát biểu khai mạc, bà Hajah Nor Ashikin binti Haji Johari, Thứ trưởng Văn hóa, Thanh niên và Thể thao Brunei Darussalam, Chủ tịch SOMSWD, nhấn mạnh việc thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật. Đặc biệt sau năm 2025, bà cho rằng, ASEAN phải bảo đảm sự tham gia hiệu quả và có ý nghĩa của người khuyết tật và các tổ chức của người khuyết tật trong các công việc của ASEAN.

Bà Sharifah Adila Surya Malai Adila Surya Binti Malai Haji Abdullah, Chủ tịch Hội đồng Phúc lợi Người khuyết tật của Brunei Darussalam, đồng Chủ tịch diễn đàn đánh giá cao mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ ASEAN với các tổ chức phi Chính phủ về phúc lợi xã hội và phát triển cũng như các tổ chức của người khuyết tật trong việc thúc đẩy sự tham gia và bảo vệ các quyền của người khuyết tật, đặc biệt là việc thực hiện kế hoạch tổng thể ASEAN 2025: lồng ghép quyền của người khuyết tật.

Bà cũng nhấn mạnh, chìa khóa để xây dựng một xã hội hòa nhập trên toàn ASEAN chính là hướng đến sự thống nhất, chung tay hành động giữa người khuyết tật, các tổ chức của người khuyết tật với các cơ quan Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và chính trị-xã hội để cùng giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống và sự tham gia của người khuyết tật như vấn đề phân biệt đối xử, bị gạt ngoài lề trong các lĩnh vực của đời sống.

Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy quyền và phúc lợi của người khuyết tật”, diễn đàn đã tập trung vào các nội dung chính sau.

Thứ nhất, tăng cường nhận thức về những thách thức hiện tại mà người khuyết tật đang phải đối mặt và tầm quan trọng của việc xây dựng các quan hệ đối tác trong việc giải quyết các vấn đề này.

Thứ hai, chia sẻ về các điển hình, sáng kiến hợp tác thành công góp phần thúc đẩy tiếp cận cho người khuyết tật trong nhiều lĩnh vực khác nhau như việc làm, giáo dục, tư pháp, giảm thiên tai và biến đổi khí hậu…

Thứ ba, trao đổi để đưa ra các giải pháp thúc đẩy hơn nữa quyền và phúc lợi của người khuyết tật.

Trên cơ sở các trao đổi và thảo luận, diễn đàn ghi nhận và đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân, các tổ chức phi Chính phủ, chính trị-xã hội đã và đang phối hợp và hỗ trợ tích cực cùng các cơ quan Chính phủ trong việc xây dựng một xã hội hòa nhập cho tất cả mọi người.

Tại diễn đàn, các đại biểu thống nhất rằng việc thúc đẩy quan hệ đối tác là điều cần thiết để thúc đẩy quyền lợi của người khuyết tật và hướng đến việc được các nỗ lực chung của ASEAN và các giải pháp sáng tạo trong việc đưa quyền lợi của người khuyết tật vào tất cả các các chính sách, chương trình chung của cộng đồng.

Tại diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Hà Thị Minh Đức đã trình bày nội dung ‘‘Thúc đẩy cơ hội việc làm và khởi nghiệp cho người khuyết tật tại Việt Nam’’.

Theo đó, để thúc đẩy cơ hội việc làm và khởi nghiệp cho người khuyết tật, trong những năm qua, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị-xã hội tại Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều biện pháp như, tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật; hỗ trợ tạo việc làm thông qua các hoạt động tư vấn nghề, giới thiệu việc làm, tổ chức hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm cho người khuyết tật. Đồng thời, cho lao động là người khuyết tật vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn khác, triển khai các chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc…

Cuối cùng, các đại biểu đã cùng thảo luận, xây dựng bản khuyến nghị của diễn đàn, tập trung vào giải pháp hiệu quả và thiết thực nhằm hiện thực hóa quyền lợi của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực của ASEAN, trong đó có kết nối với kế hoạch tổng thể ASEAN 2025: lồng ghép quyền của người khuyết tật, tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2045 và kế hoạch chiến lược cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN sau năm 2025.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới.

Hệ thống an sinh xã hội không ngừng mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng chính sách đối với người khuyết tật. Hơn 1,6 triệu người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, 96% người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế, các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng; trẻ em khuyết tật được hỗ trợ học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục; đối với trẻ em không có khả năng học hòa nhập được hỗ trợ học tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Hiện nay, toàn bộ lực lượng lao động là người khuyết tật (gần 4 triệu người) đã được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, sinh kế hoặc được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tự giải quyết việc làm.