Dự tọa đàm có đại diện Tổng cục Hải quan; Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công thương); Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam; Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam; Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Quảng Đông (Trung Quốc). Ngoài ra, còn có khoảng 150 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc hoạt động các lĩnh vực: công nghệ, thương mại điện tử, logistics, chuyển phát nhanh, các ngân hàng, các nhà mạng…
Bà Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan, Trưởng Ban Tổ chức tọa đàm, thông tin: thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra những cơ hội mới và tiềm năng to lớn cho doanh nghiệp. Việc tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp gia tăng cơ hội xuất khẩu, nhập khẩu, tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo ra nguồn thu lớn.
Tuy nhiên, thương mại điện tử xuyên biên giới tạo ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, như các vấn đề liên quan pháp lý, quản lý vận chuyển, chính sách và thủ tục hải quan, thuế và chính sách thương mại quốc tế. Theo đó, doanh nghiệp cần có kiến thức và hiểu biết sâu về các quy định, quy trình thương mại quốc tế để đảm bảo tuân thủ đúng và tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh.
Việt Nam chưa có quy định riêng về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nên chưa có đủ cơ sở thống kê đầy đủ lượng hàng hóa này, tuy nhiên, qua công tác quản lý hải quan cho thấy số lượng giao dịch thương mại điện tử phát triển nhanh, nhất là hàng giao dịch điện tử gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính.
Tại tọa đàm, các diễn giả thảo luận, trao đổi về thực trạng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và triển vọng mới; những rào cản, vướng mắc giữa cơ chế quản lý và doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; đổi mới chính sách, quy trình quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng…
Ông Robbin Hou, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Quảng Đông thông tin: “Thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và nhanh nhất Đông Nam Á. Năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% dân số.”
Để phát triển hơn nữa về phát triển thương mại điện tử Việt-Trung, ông Robbin Hou đề xuất, cần cải thiện tốc độ giao hàng logistics; khuyến khích phát triển các nền tảng thương mại điện tử; tích cực đào tạo nhân lực bản địa; đẩy nhanh xây dựng các mô hình thương mại điện tử mới.