Thúc đẩy phát triển điện khí hướng tới mục tiêu trung hòa carbon

NDO - Điện khí có phát thải thấp hơn đáng kể so với nhiệt điện than và được nhiều quốc gia lựa chọn là giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới trung hòa carbon.
0:00 / 0:00
0:00
Kho cảng Thị Vải chứa khí LNG. (Ảnh: PV GAS)
Kho cảng Thị Vải chứa khí LNG. (Ảnh: PV GAS)

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 bổ sung nhiều quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc cho phát triển điện khí thời gian qua.

Theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424MW.

Trong đó, nguồn điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900MW, sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) là 22.524MW, chiếm tỷ trọng trên 24% tổng công suất toàn hệ thống phát điện.

Bộ Công thương cho biết, điện khí có phát thải thấp hơn đáng kể so với nhiệt điện than và được nhiều quốc gia lựa chọn là giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới trung hòa carbon.

Đây là nguồn điện nền quan trọng, có vai trò bảo đảm vận hành an toàn, ổn định, tin cậy hệ thống điện. Việc phát triển tỷ lệ phù hợp nguồn điện khí cũng quyết định đến khả năng nâng cao tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống điện.

Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án đều gặp khó khăn trong triển khai do điện khí là các nguồn điện quy mô lớn, có vốn đầu tư cao, chi phí sản xuất điện phụ thuộc vào giá và nguồn khí biến động theo thị trường thế giới.

Để huy động được vốn đầu tư (chủ yếu từ nguồn vốn FDI), cần có các cơ chế về bảo đảm doanh thu và khả năng trả nợ của dự án sau khi đi vào vận hành. Trong khi pháp luật về điện lực hiện hành chưa có quy định cụ thể về các cơ chế trên.

Vì vậy, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã bổ sung quy định nguyên tắc giao Chính phủ quy định cụ thể cơ chế cho phát triển các dự án điện, trong đó có điện khí, phù hợp với từng thời kỳ (về sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, nguyên tắc tính giá điện…).

Về chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí (khoản 8 Điều 5), dự thảo nêu rõ: ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí trong nước, phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống điện.

Chính phủ quy định cơ chế bảo đảm huy động các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước tối đa theo khả năng cấp khí và các ràng buộc về nhiên liệu để đảm bảo lợi ích quốc gia. Đồng thời, quy định cơ chế bảo đảm các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí LNG được bên mua điện cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn bảo đảm thu xếp nguồn cung nhiên liệu lâu dài với thời gian áp dụng và các chính sách đảm bảo đầu tư khác để thu hồi được chi phí đầu tư.

Về quy định chuyển tiếp, theo dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), các dự án đầu tư nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng đã lựa chọn được nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật trước thời điểm luật này có hiệu lực được áp dụng các cơ chế theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Luật này.

Trong vòng 12 tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành các cơ chế cho các dự án sử dụng điện khí theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Luật này, nhà đầu tư thực hiện dự án và Bên mua điện đàm phán hợp đồng mua bán điện. Hết thời hạn 12 tháng mà không ký được hợp đồng mua bán điện, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện chấm dứt hoạt động đầu tư dự án theo pháp luật về đầu tư.