Dự hội nghị có đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên; đại diện lãnh đạo Sở Công thương của 40 tỉnh, thành phố trong nước tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên khẳng định, nội dung và thời gian tổ chức của hội nghị tại Điện Biên rất ý nghĩa trong những ngày cả nước đang hướng về Điện Biên bằng việc làm, hành động cụ thể góp phần ôn lại truyền thống hào hùng của quân dân ta trong Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phát biểu tại hội nghị liên kết phát triển thương mại điện tử tại Điện Biên. |
Qua hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc sẽ góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất và người, tiềm năng du lịch, thế mạnh sản xuất nông-lâm nghiệp của Điện Biên đến mọi miền trong nước, quốc tế. Cũng từ hội nghị này, Điện Biên sẽ có thêm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong tiếp cận, giao dịch trên sàn thương mại điện tử và các giải pháp gỡ khó về nhân lực, hạ tầng phục vụ thương mại điện tử hiện nay.
Thông tin về hoạt động thương mại điện tử tại tỉnh Điện Biên, đồng chí Phạm Đức Toàn, cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 500 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt hơn 30%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài khoản thương mại điện tử đạt 20% và tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử đạt 50%.
Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng và tiện lợi.
Đại biểu dự hội nghị liên kết phát triển thương mại điện tử tại Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc. |
Song đánh giá thực chất thì thương mại điện tử tại tỉnh Điện Biên còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể về nguồn nhân lực trong các các doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ chuyên trách thương mại điện tử tại các cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu; Điện Biên chưa có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân lực thương mại điện tử. Hạ tầng công nghệ thông tin và giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, nhiều nơi ở khu vực vùng sâu, vùng xa chưa có điện, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp hơn các tỉnh khác nên đã ảnh hưởng kết nối, phát triển thương mại điện tử…
"Qua hội nghị này, tỉnh Điện Biên mong muốn nhận được nhiều ý kiến tham gia về giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển thương mại điện tử tại địa phương; giải pháp đẩy mạnh kết nối thương mại Điện Biên giữa Điện Biên với các tỉnh Tây Bắc và các vùng trong nước" - đồng chí Phạm Đức Toàn nhấn mạnh.
Đồng tình với đánh giá, nhận định về thương mại điện tử tại tỉnh Điện Biên của đồng chí Phạm Đức Toàn, đại diện lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cùng 200 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp vận hành dịch vụ thương mại điện tử, doanh nghiệp công nghệ đã đề trong xuất nhiều giải pháp tăng cường kết nối, tăng doanh số bán hàng trực tuyến tại Điện Biên và vùng Tây Bắc; giải pháp phát triển logistics trong thương mại điện tử tại các tỉnh Tây Bắc…
Đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội chợ công thương khu vực Tây Bắc-Điện Biên, năm 2024. |
Trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tăng cường kết nối doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm và kết nối thương mại Điện Biên với các tỉnh, thành phố, trước đó (vào tối 19/4), Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức khai mạc Hội chợ Công thương khu vực Tây Bắc-Điện Biên năm 2024. Hội chợ có quy mô hơn 300 gian hàng tiêu chuẩn, thu hút 140 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Hội chợ được tổ chức trong 6 ngày (từ 19 đến hết ngày 25/4) để phục vụ nhân dân, du khách tham quan, mua sắm và kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.