Thúc đẩy liên kết chuỗi trong lĩnh vực dầu khí

Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, đặc biệt là sự chuyển dịch năng lượng, xung đột địa chính trị tại một số nước trên thế giới đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, việc liên kết chuỗi được coi là tất yếu và bắt buộc giúp các doanh nghiệp dầu khí phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Khai thác dầu khí tại mỏ Sông Ðốc.
Khai thác dầu khí tại mỏ Sông Ðốc.

Trong những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã xây dựng và tham gia các chuỗi liên kết nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh, trong đó, một số chuỗi đã phát huy hiệu quả, thể hiện vai trò quan trọng trong giai đoạn dịch Covid-19 và thị trường đầy biến động.

Phát huy thế mạnh

Ðại diện Ban Kinh tế đầu tư (PVN) cho biết, trong năm 2022, các đơn vị của Tập đoàn đã nâng cao nhận thức, tăng cường trao đổi, đề xuất các ý tưởng hợp tác liên kết với mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, tài sản sẵn có, năng lực cạnh tranh để phát triển. Số lượng chuỗi liên kết được danh mục hóa tăng từ 20 chuỗi vào tháng 9 lên 33 chuỗi vào cuối năm 2022. Trong đó, 11 chuỗi đã hình thành và đang triển khai, gồm hai chuỗi sản xuất, tám chuỗi dịch vụ và một chuỗi phát triển thị trường.

Trong 22 chuỗi đang nghiên cứu triển khai có hai chuỗi sản xuất nhằm phát triển các sản phẩm theo hướng gia tăng chế biến sâu của Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) và Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC); 20 chuỗi liên kết đầu tư đang được tập trung triển khai ở một số đơn vị của Tập đoàn như Tổng công ty khí Việt Nam (PVGas), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng công ty hóa chất và dịch vụ dầu khí (PVChem),...

Cũng theo đại diện Ban Kinh tế đầu tư (PVN), việc đẩy mạnh liên kết chuỗi giữa các đơn vị đã và đang phát huy hiệu quả. Cụ thể, chuỗi hợp tác trong công tác mua bán dầu thô phục vụ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giữa BSR, PVOil, PVEP đã được ký hợp đồng nguyên tắc dài hạn, đang triển khai đàm phán với chủ dầu để mua dầu Việt Nam dài hạn từ 3 đến 5 năm. Từ khi triển khai đến hết tháng 1/2023, PVOil cung cấp cho BSR 4,39 triệu tấn dầu Bạch Hổ và cung cấp 487 nghìn tấn dầu Ðại Hùng với doanh thu phí ủy thác của PVOil hơn 75,1 tỷ đồng. Chuỗi dịch vụ tiếp nhận, gia công, pha chế, bảo quản và bơm rót xăng E5 giữa BSR và PVOil được ký từng năm theo nhu cầu của BSR, riêng tháng 1 vừa qua, số lượng pha chế xăng đạt khoảng 3.000m3 hay chuỗi hợp tác giữa BSR và Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans) về thuê dịch vụ vận chuyển dầu thô phục vụ vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2023-2024,...

Theo kế hoạch năm 2023, PVN và các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục triển khai chuỗi liên kết trong toàn Tập đoàn nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh, kinh nghiệm của các đơn vị dầu khí nhằm sớm hình thành, đưa vào vận hành và phát triển các chuỗi liên kết đầu tư. Ðặc biệt, phải coi chuỗi liên kết là một phần tất yếu, bắt buộc giúp các đơn vị và Tập đoàn phát triển trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng.

Thúc đẩy liên kết chuỗi trong lĩnh vực dầu khí ảnh 1

Khai thác dầu khí trên vùng mỏ Bạch Hổ. (Ảnh TTXVN)

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định, thời gian qua, việc tham gia các chuỗi liên kết đã được các đơn vị quan tâm triển khai, một số chuỗi đã hình thành, hoạt động có kết quả, phát huy vai trò trong giai đoạn dịch Covid-19 và thị trường biến động như chuỗi dầu thô-vận chuyển-chế biến-bao tiêu và phân phối sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; chuỗi liên kết BSR-PVNDB-PVOil trong điều phối và kinh doanh xăng dầu; chuỗi liên kết PVGas-PVOil trong sản xuất xăng nền Ron 91, dầu đi-ê-den sản phẩm đáy từ nguồn condensate. Ðồng thời, một số chuỗi đang được nghiên cứu, xây dựng để sớm đưa vào thực hiện.

Bên cạnh hiệu quả đạt được, tiến độ triển khai các chuỗi theo kế hoạch còn chậm, cần phải tăng tốc trong năm nay. "Ðối với một Tập đoàn có tổng tài sản hợp nhất 954 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 531 nghìn tỷ đồng cùng hệ thống 27 đơn vị thành viên, công ty liên kết cần phải xây dựng hệ sinh thái chung để tập trung nguồn lực tổng thể, phát triển bền vững", Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Với mục tiêu nâng cao hệ thống quản trị, năng lực cạnh tranh của hệ sinh thái PVN và chuỗi liên kết trong thời gian tới, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong toàn hệ thống về văn hóa liên kết và trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân từ người đại diện của Tập đoàn tới từng người lao động trong việc phối hợp, thực hiện. Các ban chuyên môn tiếp tục rà soát, cập nhật quy định, chính sách của Tập đoàn cũng như nghiên cứu ban hành chính sách trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái PVN và tăng cường liên kết chuỗi, cập nhật quy chế người đại diện.

Ngoài ra, căn cứ vào thực tiễn để xây dựng, cập nhật danh mục sản phẩm dịch vụ chủ lực, chiến lược của PVN theo chuỗi liên kết, phân theo mảng và theo lĩnh vực sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Ðồng thời, căn cứ đánh giá về năng lực, thế mạnh của từng đơn vị trong Tập đoàn dựa trên nguồn lực đang có để dự báo, tính toán cho các chuỗi có thể triển khai trong thời gian tới, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chuỗi khả thi như chuỗi dịch vụ cho khối E&P,... Bên cạnh đó phải tăng tốc chuyển đổi số, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học để khai thác và vận hành các chuỗi liên kết trong hệ sinh thái PVN một cách đồng bộ, khoa học, hiệu quả.

Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, đặc biệt khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, do đó, việc PVN xây dựng các chuỗi liên kết nhằm tăng sức cạnh tranh là điều tất yếu, phù hợp bối cảnh phát triển toàn cầu. Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đây cũng là cơ hội để PVN và các đơn vị thành viên phát huy cao nhất thế mạnh của mình, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.