Thúc đẩy lao động miền trung, Tây Nguyên đi làm việc nước ngoài qua chương trình phi lợi nhuận

NDO - Ngày 27/10, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo “Thúc đẩy đưa người lao động các tỉnh miền trung, Tây Nguyên đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định”.
0:00 / 0:00
0:00
Quảng cảnh hội thảo.
Quảng cảnh hội thảo.

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), từ 2004 đến nay, Trung tâm đưa hơn 136 nghìn lượt người lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức…

Các chương trình đưa người đi lao động nước ngoài do Trung tâm thực hiện được triển khai trong thời gian dài, duy trì sự ổn định về phương thức tuyển chọn, được quảng bá rộng rãi nên ngày càng được đông đảo người dân biết đến.

Từ năm 2017 đến nay, cả nước có hơn 107 nghìn lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có gần 45 nghìn người trúng tuyển, hơn 35 nghìn lượt lao động xuất cảnh.

Riêng các tỉnh miền trung và Tây Nguyên có hơn 66.700 lượt người lao động đăng ký, trong đó gần 30 nghìn người trúng tuyển, 22.500 lao động xuất cảnh. Người lao động tham gia các chương trình đi làm việc ở nước ngoài này đều có thu nhập tốt, điều kiện phúc lợi bảo đảm.

Ở nhiều địa phương, người dân xem xuất khẩu lao động là cơ hội để xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả.

Tuy nhiên, tình trạng người lao động khu vực miền trung-Tây Nguyên cư trú bất hợp pháp, không về nước đúng thời hạn khi hết hợp đồng còn diễn ra phức tạp, tỷ lệ cao so các địa phương khác trong cả nước.

Thúc đẩy lao động miền trung, Tây Nguyên đi làm việc nước ngoài qua chương trình phi lợi nhuận ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh, miền trung, Tây Nguyên là khu vực chiếm tỷ trọng và số lượng lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung và thông qua các chương trình phi lợi nhuận của Trung tâm Lao động ngoài nước nói riêng. Cùng với những kết quả tích cực thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được quan tâm giải quyết kịp thời.

Đi làm việc ở nước ngoài qua chương trình phi lợi nhuận có chi phí tham gia thấp, người lao động dễ tiếp cận, có thu nhập tốt và điều kiện phúc lợi bảo đảm. Kết quả đó đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

(Nguồn: Trung tâm Lao động ngoài nước)

Tham luận tại hội thảo của đại biểu các cơ quan, địa phương và tổ chức quốc tế đã làm rõ hơn những kết quả đạt được, khó khăn đặt ra, kinh nghiệm và các kiến nghị, giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận.

Để công tác đưa người lao động khu vực miền trung và Tây Nguyên đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục đạt được kết quả tích cực, bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thông tin, quảng bá các chương trình, kế hoạch tuyển chọn lao động để người lao động biết, tham gia; có phương án tuyển chọn đúng đối tượng; triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ, số lượng lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước.

Ông Nguyễn Bá Hoan cũng đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu cho chính quyền các địa phương có các giải pháp cụ thể hơn nữa để hỗ trợ người lao động như cho vay vốn học nghề, ngoại ngữ, tuyên truyền, vận động người lao động và gia đình khi người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng hạn…