Thúc đẩy kinh tế số tiến nhanh, bền vững

Thời gian qua, kinh tế số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, tạo động lực tăng trưởng kinh tế ổn định. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng và đạt được các mục tiêu đầy tham vọng, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường liên kết vùng để lan tỏa rộng rãi và thúc đẩy sự phát triển kinh tế số của vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp công nghệ giúp triển khai chuyển đổi số tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp công nghệ giúp triển khai chuyển đổi số tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vị trí thứ hai trong ba năm liên tiếp theo kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số DTI do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.

Nhiều đầu việc để thúc đẩy kinh tế số

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số. Thành phố có hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Xu hướng số hóa xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán đến giao thông, giáo dục, y tế… Việc sử dụng công nghệ dần đi vào nếp sinh hoạt và làm việc của người dân. Thương mại điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô thị trường.

Ông Lâm Ðình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho biết, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị giao cho Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm vụ đến năm 2030 trở thành lá cờ đầu cả nước về kinh tế số. Thời gian qua, thành phố đã nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế số, với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP; đến năm 2030 là 40% vào GRDP. Các chỉ tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn bình quân cả nước từ 5%-10%.

Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện rất nhiều đầu việc để thúc đẩy kinh tế số. Năm 2021, lần đầu tiên thành phố đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học là 15,38% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ). Năm 2022, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ước đạt 18,66%.

PGS, TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, vị trí của kinh tế số trong nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng vững chắc, trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ổn định và bền vững dựa trên bốn trụ cột chính: công nghiệp ICT tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng ổn định; chuyển đổi số các ngành công nghiệp tạo động lực cho tăng trưởng bền vững; quản trị số đóng vai trò quan trọng bảo đảm cho tăng trưởng ổn định và giá trị hóa dữ liệu tạo ra sức mạnh mới cho tăng trưởng ổn định.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Bình A cho rằng, kinh tế số tại thành phố dù mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển nhưng đã đạt nhiều kết quả nổi trội, đặc biệt là các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, du lịch trực tuyến… Thành phố có những bước đi khá vững vàng về chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số thành công là nhờ sự chung tay đóng góp, hiến kế rất lớn từ đội ngũ chuyên gia, trường, viện, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội.

Liên kết vùng thúc đẩy kinh tế số

Mặc dù có bước đi vững vàng, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận diện ba thách thức lớn trong phát triển kinh tế số. Ðó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường cũng chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhiều.

Ông Hà Thân, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp gặp rất nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Nguyên nhân là do dữ liệu không liên thông, ứng dụng không tích hợp. Một thách thức khác là phải làm cho mọi người hiểu chuyển đổi số là gì, lợi ích và chi phí chuyển đổi số để cùng hợp lực thực hiện. Do đó, thành phố nên cân nhắc lựa chọn các lĩnh vực kinh tế ưu tiên để tập trung chuyển đổi số; có lộ trình chuyển đổi số kinh tế, làm sao tăng trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền số, kinh tế số. "Thế giới đã tổng kết 15 lợi ích của kinh tế số trong doanh nghiệp. Ðối với lợi ích quốc gia, Liên hợp quốc đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta có thể dựa trên những mục tiêu này để thực hiện cuộc cách mạng số toàn diện" - ông Hà Thân góp ý.

Ðề cập đến việc hoàn thiện thể chế, ông Phạm Bình An cho rằng, thành phố có được điều kiện thuận lợi mới là Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, thành phố phải tận dụng Nghị quyết 98 để đưa ra những cơ chế, chính sách thử nghiệm giúp kinh tế số phát triển đột phá trong thời gian tới.

PGS, TS Trần Minh Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, nếu Thành phố Hồ Chí Minh đứng một mình sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 40% GDP mà phải liên kết vùng, hình thành không gian lực kéo. Mô hình lực kéo không gian đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành bố cục lực kéo theo tầng tập trung vào các địa phương lân cận, lan tỏa rộng rãi và thúc đẩy sự phát triển kinh tế số của vùng. Cuối cùng là phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm bưu chính/logistics của khu vực và cả nước.

Ðể đạt mục tiêu phát triển kinh tế số, PGS, TS Trần Minh Tuấn đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh nên triển khai chuyển đổi số 10 nhóm nền tảng số và triển khai thành công chuyển đổi một số khâu trong từng ngành, lĩnh vực; dùng các khâu này để tăng tốc, thúc đẩy các khâu còn lại trong các ngành công nghiệp. Thành phố cần thí điểm đánh giá kinh tế số tới cấp thành phố và quận, huyện trực thuộc; thí điểm sàn giao dịch dữ liệu, HUB dữ liệu của khu vực và trung tâm tài chính quốc tế, tiến tới trở thành trung tâm chuyển đổi số vùng đầu tiên trên cả nước.