Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ

NDO - Chiều 16/9, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đối thoại giữa Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và hơn 200 nhà khoa học trẻ. Các nhà khoa học trẻ chủ yếu thuộc câu lạc bộ nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, có trình độ tiến sĩ, tuổi dưới 40.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giải đáp những ý kiến của các nhà khoa học trẻ.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giải đáp những ý kiến của các nhà khoa học trẻ.

Theo báo cáo khảo sát của Câu lạc bộ nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội về tình hình công bố quốc tế và tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp của các tiến sĩ dưới 40 tuổi của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy: Có gần 70% các cán bộ được khảo sát có chủ trì và tham gia đề tài khoa học cấp cơ sở; khoảng 72% cán bộ tham gia vào đề tài nghiên cứu cấp bộ và tương đương; gần 40% có từ 1 đến 3 công bố quốc tế trong vòng 5 năm qua.

Tuy nhiên, cũng có hơn 80% cán bộ nghiên cứu tham gia khảo sát chưa có đăng ký phát minh sáng chế; gần 60% chưa chủ trì bất cứ một đề tài cấp sở, ban, ngành, cấp bộ và tương đương.

Trong hoạt động nghiên cứu vấn đề thiếu kinh phí là trở ngại lớn nhất của các cán bộ khi tham gia thực hiện đề tài, dự án, công bố quốc tế và phát minh sáng chế. Ngoài ra, 54,7% ý kiến cho rằng khó khăn khi thực hiện đề tài đến từ các quy định, thủ tục hành chính về quản lý đề tài; khoảng 38% cho rằng thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai và thực hiện công bố quốc tế hoặc đăng ký phát minh sáng chế.

Các cán bộ nghiên cứu được khảo sát kiến nghị ưu tiên nhà khoa học trong việc chủ trì đề tài gần với sản phẩm đầu ra; tăng kinh phí, đơn giản hóa thủ tục; tăng cường năng lực xây dựng, đề xuất, thuyết minh, hướng dẫn triển khai, thực hiện đề án; đẩy mạnh kết nối các nhà khoa học...

Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ ảnh 1

Các nhà khoa học nêu ý kiến tại buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại, các nhà khoa học trẻ cũng đặt ra những vấn đề cụ thể liên quan chiến lược, kế hoạch đầu tư với các nhà khoa học lĩnh vực mới của Đại học Quốc gia Hà Nội; chính sách giữ chân tài năng trẻ, kể cả đối với những sinh viên nghiên cứu tốt; giải pháp trong truy cập dữ liệu; cách thức và cơ chế trong đăng ký, tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; kinh nghiệm chủ trì, tham gia các đề tài nghiên cứu; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.

Theo GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, dù đứng đầu trong đào tạo, nghiên cứu nhưng chỉ số phát triển bão hòa nhanh nên Đại học Quốc gia Hà Nội cần đầu tư nguồn lực con người. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội hy vọng sẽ xây dựng 10 nhóm nghiên cứu mạnh và có nhiều các khoa học trẻ đề đầu tư.

Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên nhiệm vụ khoa học công nghệ, giảm bớt thủ tục, hỗ trợ khoa học trẻ để tiếp cận đề tài, dự án nghiên cứu. Điều quan trọng các nhà khoa học trẻ xác định được rõ hướng nghiên cứu của mình.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, giao cho câu lạc bộ nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngay tập huấn các đề tài nghiên cứu để tính toán hỗ trợ các khoa học tiếp cận; ít nhất có 20 đề tài được phê duyệt. Đẩy mạnh hỗ trợ các nhà khoa học trong công bố quốc tế; cần lập nhóm hỗ trợ các nhà khoa học trẻ tiếp cận nguồn lực khoa học công nghệ được nhiều hơn. Bởi nếu nhà khoa học trẻ chỉ nỗ lực cá nhân thì chỉ đạt được thành tích ở mức độ nhất định.

Các nhà khoa học trẻ cũng cần mạnh dạn thì mới tiếp cận tốt nguồn lực nếu không sẽ khó khăn. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ các tiến sĩ đang công tác mà chưa vào biên chế để giải quyết dứt điểm trước 20/11 tuyển dụng xong.

“Không chỉ đơn thuần là tìm kiếm đề tài cho nhà khoa học trẻ mà điều quan trọng là khi làm xong một đề tài thì mới trưởng thành và từ đó mới ra tiếp cận được các nguồn lực bên ngoài nhiều hơn”, GS, TS Lê Quân chia sẻ.