Thúc đẩy chăn nuôi từ góc độ khoa học và công nghệ

Những năm qua, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm vật nuôi đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Chọn tạo giống gia cầm tại Viện Chăn nuôi. (Ảnh KIM CÚC)
Chọn tạo giống gia cầm tại Viện Chăn nuôi. (Ảnh KIM CÚC)

Chỉ riêng giai đoạn 2020-2022, Viện Chăn nuôi đã ứng dụng, chuyển giao hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học tại các vùng sinh thái trên cả nước. Ước tính khoảng 29-30% giá trị gia tăng sản lượng thịt, trứng gia cầm do kết quả nghiên cứu khoa học-công nghệ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đem lại. Mỗi năm, Viện chuyển giao trực tiếp vào sản xuất hơn 30.000 con lợn giống bố mẹ và khoảng 100.000 lợn bố mẹ thông qua chuyển giao lợn giống ông bà; 12-13 triệu con gà giống các loại; 1,5-2 triệu con vịt giống; ngan giống 250-300 nghìn con; trứng giống các loại 12-15 triệu quả; nâng sản lượng trứng trước đây 60-70 quả/mái/năm lên từ 75 đến 128 quả, tăng 25,4-53,8%; giảm tiêu tốn thức ăn/kg, tăng khối lượng 10-15%. Viện cũng nghiên cứu chọn tạo thành công hai dòng vịt biển có khả năng chăn nuôi trong điều kiện nước mặn và nước lợ. Hiện vịt biển đã được nuôi tại nhiều địa phương ven biển, trong đó có đàn vịt nuôi tại Trường Sa đang sinh trưởng, phát triển và sản xuất trứng cho hiệu quả cao.

Các sản phẩm con giống do Viện sản xuất cung cấp cho thị trường bảo đảm chất lượng tốt, ổn định về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Ðối với thủy cầm, các cơ sở giống của Viện cung cấp giống vịt, ngan ông bà, bố mẹ và con thương phẩm chiếm 80% thị phần con giống thủy cầm của cả nước. Viện phát triển các sản phẩm gà lông mầu thả vườn mang gien bản địa có chất lượng thịt thơm ngon, hợp thị hiếu và văn hóa ăn uống của người Việt. Hiện các giống gà nội và gà lai lông mầu do Viện Chăn nuôi chọn lọc, lai tạo ước tính chiếm khoảng 30-35% thị phần; đồng thời nâng tỷ lệ nuôi sống các giống gà bản địa từ 50-60% lên 90-95%. Viện luôn duy trì ổn định và chủ động về con giống, quy trình chăn nuôi, chăm sóc cũng như tạo lợi thế về giá và đầu ra cho người chăn nuôi. Viện còn cung cấp các dòng gà mang thương hiệu của Viện như TP, LV, gà Ri, gà Mía, gà Ai Cập, HA, H’Mông... cho các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...Các sản phẩm khác như tinh trâu, bò đông lạnh; con giống dê, cừu, ong... cũng được Viện cung cấp đáp ứng nhu cầu các địa phương, vừa góp phần cải tạo nhanh tầm vóc cũng như năng suất, chất lượng đàn trâu, bò thịt, vừa đa dạng hóa các sản phẩm tiêu dùng.

Cùng với bảo tồn, phát triển đàn vật nuôi, Viện Chăn nuôi còn tập trung nghiên cứu về dinh dưỡng trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi, nhằm giảm phụ thuộc các nguyên liệu nhập khẩu, hạ giá thành thức ăn, qua đó hạ giá thành sản phẩm, yếu tố tiên quyết tạo đà phát triển chăn nuôi ở nước ta thời gian tới. Bên cạnh đó, Viện tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp, trong đó có phụ phẩm cây thanh long và quả điều giả (quả điều bỏ phần hạt), thay thế hoàn toàn thức ăn thô xanh trong mùa khô cho bò thịt, cừu và dê ăn thức ăn quả điều ủ cho tăng khối lượng cao hơn từ 3-5% so với chăn thả bình thường. Mô hình bò sữa có thể thay thế từ 60 đến 70% thức ăn thô xanh bằng thức ăn quả điều ủ cho bò sữa trong mùa khô, sản lượng sữa và chất lượng sữa không thay đổi.

Một số quy trình kỹ thuật xử lý nước thải chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân chuồng và phế phụ phẩm nông nghiệp cũng được Viện nghiên cứu ứng dụng nhiều trong các trang trại, nông hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi trên các vùng miền cả nước.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Viện Chăn nuôi thời gian qua thật sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thúc đẩy liên kết 4 nhà trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực cho các địa phương, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm và cải thiện đời sống nhân dân.

Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, tập thể những nhà khoa học của viện tiếp tục đặt ra mục tiêu là nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, ưu tiên chọn lọc đàn hạt nhân để nâng cao chất lượng hệ thống giống; tập trung phục tráng, nhân thuần các giống bản địa có nguồn gien tốt để nhân giống, lai tạo giống phù hợp nhu cầu sản xuất từng vùng, từng phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường bảo đảm số lượng sản phẩm đủ lớn và đồng nhất về chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học của thế giới để bảo tồn, khai thác đặc điểm sinh học quý của các nguồn gien, giống bản địa nhằm tạo ra các sản phẩm giống mang thương hiệu quốc gia...

Bên cạnh đó, Viện cũng tập trung nghiên cứu nâng cao giá trị dinh dưỡng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tạo sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu; thay đổi cách bảo quản chế biến phụ phẩm nông-công nghiệp-thủy sản làm thức ăn và sản xuất thức ăn chăn nuôi... ■