Thúc đẩy chăn nuôi lợn trong tình hình mới

NDO - Diễn biến ngành chăn nuôi lợn của thế giới trong các tháng đầu năm 2023 cho thấy sản lượng giết mổ có dấu hiệu sụt giảm, tồn kho lợn vẫn còn nhiều. Tổng đàn lợn trên thế giới cuối năm 2023 ước đạt 769,7 triệu con (giảm 2% so với cùng kỳ năm trước).
0:00 / 0:00
0:00
Thúc đẩy chăn nuôi lợn trong tình hình mới

Trước thực trạng đó, sáng 27/7, Cục Chăn nuôi phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới.

Ngành chăn nuôi đã đóng góp gần 27% GDP ngành nông nghiệp

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Dương Tất Thắng khẳng định tầm quan trọng của chăn nuôi lợn đối với khối chăn nuôi nói riêng, cũng như toàn ngành nông nghiệp nói chung.

Theo ông Thắng, diễn biến ngành chăn nuôi lợn của thế giới trong các tháng đầu năm 2023 cho thấy sản lượng giết mổ có dấu hiệu sụt giảm, tồn kho lợn vẫn còn nhiều. Tổng đàn lợn trên thế giới cuối năm 2023 ước đạt 769,7 triệu con (giảm 2% so với cùng kỳ năm trước) do nhu cầu tái đàn giảm dần và lượng tồn kho thời điểm đầu năm ở mức cao; sản lượng thịt lợn toàn cầu dự kiến đạt 114,8 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2022.

Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đã đóng góp gần 27% GDP ngành nông nghiệp, sản phẩm của ngành chăn nuôi không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước, khách du lịch quốc tế mà còn góp phần vào mục tiêu xuất khẩu. Với riêng chăn nuôi lợn, đây là phương thức chăn nuôi lâu đời, có ý nghĩa to lớn đối với nhóm các nông hộ nhỏ lẻ.

“Đây được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi”, ông Thắng chia sẻ.

Tuy nhiên, thời gian qua, chăn nuôi lợn gặp phải nhiều thách thức như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chất lượng con giống phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác.

Giá lợn hơi tăng, tín hiệu vui cho nông dân

Thúc đẩy chăn nuôi lợn trong tình hình mới ảnh 1

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau thời gian dài giá bán thấp hơn giá thành, giá thịt lợn tăng lên là tín hiệu vui với nông dân và ngành nông nghiệp.

Nửa đầu năm nay, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt hơn 3%. Trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh có nhiều nguy cơ bùng phát, thậm chí các chủng virus cúm và dịch bệnh khác xâm nhiễm từ nước ngoài. Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi vẫn còn nhức nhối. Trong bối cảnh khó khăn đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân, các cơ quan liên quan, đã tích cực vào cuộc, tìm giải pháp, xử lý rốt ráo vấn đề.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Nửa đầu năm nay, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt hơn 3%. Trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh có nhiều nguy cơ bùng phát, thậm chí các chủng virus cúm và dịch bệnh khác xâm nhiễm từ nước ngoài. Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi vẫn còn nhức nhối. Trong bối cảnh khó khăn đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân, các cơ quan liên quan, đã tích cực vào cuộc, tìm giải pháp, xử lý rốt ráo vấn đề.

“Thành quả cụ thể cho nỗ lực của tất cả chúng ta là giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn hơi đã tăng trở lại”, Thứ trưởng Tiến cho biết.

Đưa ra giải pháp cho ngành chăn nuôi, chăn nuôi lợn trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Cụ thể là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi.

Đây là những đề án về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu ngành thú y cần kiện toàn hệ thống theo Quyết định 414/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030.

Theo Thứ trưởng Tiến, cần tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ đối với thức ăn chăn nuôi; tăng cường hợp tác quốc tế; công tác khuyến nông và xây dựng cơ bản.

Các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, gắn với nhà máy chế biến, gắn với chuỗi để có vùng nguyên liệu xuất khẩu.