Giá lợn hơi tăng mạnh, các doanh nghiệp chăn nuôi dần có lãi

NDO - Sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề kể từ sau đại dịch Covid-19, ngành chăn nuôi nước ta đã bước đầu ghi nhận sự khởi sắc. Từ quý II năm nay, giá lợn hơi tăng mạnh đang nhen nhóm niềm vui trở lại cho các hộ nông dân và doanh nghiệp. Liệu đây là dấu hiệu cho chu kỳ mới của ngành hay vẫn chỉ là một đợt hồi phục ngắn?
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Giá lợn hơi ghi nhận đà tăng mạnh

Trong vòng gần 2 tháng gần đây, giá lợn hơi của nước ta đã tăng mạnh trở lại. Dữ liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá lợn hơi tại miền bắc kể từ giữa tháng 4 đến nay đã ghi nhận mức tăng tốt nhất với 21%. Tiếp theo sau đó là miền nam với mức tăng 18,18% và miền trung-Tây Nguyên với mức tăng 17,3%. Trong khoảng thời gian đầu tháng 6, giá thịt lợn hơi nhìn chung đang biến động sát ngưỡng 60.000 đồng/kg. Đây được xem là vùng giá mà các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bắt đầu có lãi.

Giá lợn hơi tăng mạnh, các doanh nghiệp chăn nuôi dần có lãi ảnh 1

Tính đến ngày 15/6, giá lợn tại miền bắc đang biến động trong khoảng từ 59.000-62.000 đồng/kg với mức giá tốt nhất được ghi nhận tại: Thái Bình, Hưng yên và Vĩnh Phúc. Tại miền trung-Tây nguyên, lợn hơi đang được mua bán trong khoảng 56.000-59.000 đồng/kg, với vùng giá phổ biến ở nhiều tỉnh thành là 57.000-58.000. Tại miền nam, lợn hơi được giao dịch trong khoảng 56.000-60.000 đồng/kg. Bến Tre và Long An là hai địa phương ghi nhận mức giá cao nhất.

Sự thiếu hụt nguồn cung là yếu tố hỗ trợ giá lợn

Sau giai đoạn thị trường bán tháo do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, giá đã bắt đầu tăng kể từ giữa tháng 3 khi lo ngại dư thừa nguồn cung lắng xuống. Sau hai năm bị thiệt hại nặng nề, nhiều hộ nông dân đã từ bỏ hoạt động tái đàn trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi cũng chưa có kế hoạch mở rộng quy mô đàn lợn. Điều này khiến nguồn cung trên thị trường không còn dồi dào như giai đoạn đầu năm nay.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng số đàn lợn của nước ta tính đến hết tháng 5 tăng khoảng 2,6% so cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp lớn cho biết con số thực tế ước tính thấp hơn nhiều do dịch bệnh cùng giá thấp khiến nhiều nông dân phải “treo chuồng”.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Hàng hóa Việt nam, cho biết: “So với các doanh nghiệp chăn nuôi, các hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tái đàn do nguồn vốn hạn chế. Mặc dù giá lợn hơi đã có sự cải thiện trong quý II, tuy nhiên, nhu cầu chăn nuôi sẽ cần một khoảng thời gian dài để phục hồi”. Bên cạnh thiếu hụt nguồn cung, kỳ vọng giá thịt cải thiện trên thị trường thế giới cũng hỗ trợ giá lợn của nước ta.

Tại Trung Quốc, số ca nhiễm dịch tả lợn châu Phi tăng đột biến vào đầu năm nay đã khiến quốc gia này đẩy mạnh việc giết mổ trong quý I. Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng dịch vụ tài chính Rabobank dự báo sản xuất thịt lợn của Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong quý II và đẩy giá thịt heo tăng trở lại. Tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng nhẹ so năm trước do nhu cầu của người tiêu dùng hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Áp lực về chi phí nguyên liệu dự báo sẽ giảm bớt

Về dài hạn, nhu cầu của thị trường nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo tiêu thụ thịt lợn nước ta sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hằng năm là khoảng 3,1% trong giai đoạn 2022-2023. Công ty tư vấn Fitch Solution cũng dự báo tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam sẽ tăng 25% trong giai đoạn 2018-2026.

Với việc lạm phát hạ nhiệt từ tháng 3, nhu cầu của người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ có sự cải thiện rõ rệt. Điều này dự kiến sẽ giúp giá lợn hơi tiếp tục có động lực tăng trong nửa cuối năm nay.

Bên cạnh nhu cầu tốt, việc giá nông sản hạ nhiệt từ đầu năm cũng sẽ hỗ trợ ngành, đặc biệt là khi khoảng 75% nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nước ta đã nhập khẩu 398.603 tấn ngô trong tháng 5, giảm 36% so tháng trước đó. Lũy kế nhập khẩu ngô trong 5 tháng đầu năm nay của nước ta cũng đang thấp hơn 9,6% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta chủ yếu nhập khẩu ngô từ Brazil, chiếm 43,0% tổng nhập khẩu ngô cả nước. Tiếp theo là Argentina với 28,3%.

Giá lợn hơi tăng mạnh, các doanh nghiệp chăn nuôi dần có lãi ảnh 2

Điều đáng mừng là tại hai quốc gia này, nguồn cung nông sản dự báo sẽ được cải thiện rõ rệt trong niên vụ tới. Với việc mô hình thời tiết El Nino quay trở lại trong năm nay, thời tiết tại khu vực Nam Mỹ được dự báo sẽ khá thuận lợi cho cây trồng phát triển.

Theo Báo cáo Cung-cầu nông sản thế giới tháng 6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo sản lượng ngô niên vụ 2022/23 của Brazil lên mức 132 triệu tấn, từ mức 130,93 triệu tấn trong báo cáo trước trong khi duy trì dự báo sản lượng niên vụ mới ở mức 129 triệu tấn. Đối với Argentina, sản lượng ngô và đậu tương niên vụ 2023/24 cũng được dự báo sẽ cải thiện đáng kể so niên vụ hiện tại. Nguồn cung nông sản gia tăng có thể khiến cho giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi duy trì đà giảm trong nửa cuối năm nay, giúp các doanh nghiệp không còn phải đau đầu với bài toán chi phí.

“Trong bối cảnh lạm phát dần được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của nước ta nhiều khả năng sẽ cải thiện rõ rệt. Kết hợp với việc giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt so năm ngoái, ngành chăn nuôi nước ta có thể sẽ ghi nhận sự phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm nay”, Ông Phạm Quang Anh nhận định.