Nghịch lý chăn nuôi lợn: Giá thức ăn tăng cao, giá lợn hơi giảm sâu

Giá xuất bán lợn hơi tại chuồng "lao dốc" xuống mức thấp, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng vọt trong tháng 4/2023. Nghịch lý đó khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn ở các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình ‘‘chóng mặt’’ vì gặp nhiều khó khăn, nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Hộ chăn nuôi ở xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đang cố duy trì đàn lợn trước cảnh rớt giá. (Ảnh MAI TÚ)
Hộ chăn nuôi ở xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đang cố duy trì đàn lợn trước cảnh rớt giá. (Ảnh MAI TÚ)

Ông Ðặng Xuân Hải, ở thôn Bách Tính, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư (Thái Bình) cho biết: Gia đình ông nuôi 30 con lợn, phần lớn là lợn thương phẩm, nhiều con có trọng lượng gần 100kg đến kỳ xuất bán, thương lái ngấp ngó đến mua, nhưng họ chỉ trả giá 50 nghìn đồng/kg.

Nhiều hộ chăn nuôi khác ở thôn Bách Tính có đàn lợn kém hơn về chất lượng bị ép giá, chỉ bán được từ 46 nghìn đến 47 nghìn đồng/kg. Xã Bách Thuận hiện có khoảng 11 nghìn con lợn, trong đó có 6.000 con có thể xuất chuồng. Nếu chấp nhận bán với giá nêu trên thì người chăn nuôi thiệt đơn, thiệt kép. Không chỉ các hộ nuôi lợn thương phẩm ‘‘điêu đứng’’, mà hộ nuôi đàn lợn nái cũng lâm vào cảnh bi đát, bởi nuôi lợn nái đòi hỏi bài bản, vốn đầu tư chuồng trại lớn, chi phí thức ăn nhiều, thì càng lỗ nhiều hơn.

Tại tỉnh Hà Nam, giá bán lợn hơi cũng đang "lao dốc", chỉ đạt từ 45 nghìn đến 49 nghìn đồng/kg - mức thấp nhất trong vòng hai năm qua, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 50% so với trước. Ông Dương Ðức Hùng, ở xã Văn Xá, huyện Kim Bảng (Hà Nam) đang nuôi 20 lợn nái, 200 lợn thịt cho biết: Gia đình ông vừa xuất 40 con có trọng lượng 120 kg/con, may mắn lắm mới bán được giá 50 nghìn đồng/kg. Với giá thức ăn nuôi lợn hiện tại ở Hà Nam là khoảng 14 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 35%, thì người chăn nuôi đang phải chịu lỗ khoảng gần 5.000 đồng/kg lợn hơi.

Xã Văn Xá, huyện Kim Bảng có 56 hộ chăn nuôi tập trung. Hai năm qua xã Văn Xá đã phát triển đàn lợn lên hơn 12.000 con. Ðến nay lại giảm còn khoảng 9.500 con. Nếu giá lợn hơi tiếp tục giảm và giá thức ăn tăng cao như hiện nay thì rất khó tiếp tục duy trì phát triển đàn lợn. Tương tự tại tỉnh Ninh Bình, đến ngày 19/4 giá bán lợn hơi tại các trang trại dao động từ 50 nghìn đến 52 nghìn đồng/kg, cao hơn tuần trước khoảng 2.000 đồng/kg. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình, với mức giá thức ăn chăn nuôi hiện nay tiếp tục tăng cao thì người chăn nuôi ở Ninh Bình sẽ thua lỗ nặng và không chủ động được con giống trong kỳ nuôi tiếp theo.

Theo ông Phạm Thành Nhương, Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, nguyên nhân là do khó khăn chung về kinh tế, khiến sức mua của người tiêu dùng giảm đáng kể. Hơn nữa, là do người dân thay đổi thói quen ăn uống, khiến thịt lợn không còn nhiều hấp dẫn như xưa.

Anh Dương Văn Quyết, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng (Hà Nam) cho biết: Gia đình anh đang nuôi 70 con lợn, trong đó có 15 con lợn nái. Nếu giá thức ăn chăn nuôi không giảm, giá lợn hơi không cải thiện, thì gia đình anh Quyết sẽ phải bỏ nuôi lợn và tìm hướng phát triển kinh tế khác. Không riêng anh Quyết, mà nhiều hộ nuôi lợn ở những vùng có quy mô chăn nuôi lớn ở huyện Lý Nhân, huyện Kim Bảng (Hà Nam) đều phải loay hoay thực hiện các giải pháp tình thế để mong giảm thiệt hại trong chăn nuôi như: Giảm quy mô đàn, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện đã giảm tới 40%-50% số lượng lợn nuôi; thậm chí nhiều hộ để trống chuồng.

Các hộ chăn nuôi lớn không chỉ giảm quy mô đàn lợn mà còn tìm nguồn nguyên liệu tương ứng là ngô, khoai lang, đậu tương, cá khô để tự phối trộn thức ăn cho lợn nhằm giảm chi phí sản xuất. Nhiều hộ lo lắng nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển chăn nuôi của tỉnh Hà Nam được xác định là hướng đi chính, ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường.

Chia sẻ khó khăn với bà con chăn nuôi ở tỉnh Thái Bình, hiện có tổng đàn lợn lên tới hơn 700 nghìn con, các đơn vị sản xuất cung ứng thức ăn chăn nuôi không tăng giá trong thời điểm này. Một số đơn vị thì hỗ trợ người chăn nuôi bằng hình thức khuyến mãi qua các đại lý.

Ngoài khó khăn do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi ở các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình hiện còn đang gặp nhiều khó khăn khác. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục có diễn biến phức tạp. Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Nam Phạm Anh Tuấn cho biết, đối với tỉnh Hà Nam, quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi cũng giảm mạnh do định hướng phát triển công nghiệp, đô thị hóa; điều kiện về đất đai, hạ tầng, nhân lực của đa số hộ chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu quy trình chăn nuôi tiên tiến. Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương chưa được thay thế, bổ sung kịp thời. Lực lượng quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y mỏng; cán bộ thú y cấp xã nhiều nơi thiếu, không bảo đảm trình độ, kinh nghiệm…

Ðể tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, phấn đấu khôi phục tổng đàn lợn trong năm 2023, các địa phương nêu trên cần phải có giải pháp thích ứng duy trì chăn nuôi ổn định, hiệu quả.

Trước hết, theo các chuyên gia về chăn nuôi là phải tăng cường công tác tuyên truyền đến hộ, các trang trại, nông trại thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; sử dụng con giống có nguồn gốc, chất lượng tốt và chỉ tái đàn khi an toàn dịch bệnh. Tích cực giám sát, cảnh báo và xử lý kịp thời dịch bệnh không để phát sinh, lây lan ra diện rộng, kết hợp theo dõi chăm sóc đàn vật nuôi. Chủ động hướng dẫn chế biến, sử dụng thức ăn sẵn có, thức ăn tự chế bảo đảm dinh dưỡng, giảm giá thành sản phẩm trong lúc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Các bộ, ngành liên quan ở Trung ương cần quản lý chặt chẽ tình trạng nhập khẩu sản phẩm thịt đông lạnh, tìm hướng tăng xuất khẩu thịt lợn, để bình ổn giá trong nước; tham mưu với Trung ương ban hành những chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi thay thế những quy định không còn phù hợp, nhằm góp phần giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.