Thực tế cho thấy, quan niệm lạc hậu "trọng nam, khinh nữ" ở các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam đã tồn tại dai dẳng trong lịch sử hàng nghìn năm qua, do đó việc xóa bỏ hoàn toàn tình trạng bất bình đẳng giới là một nhiệm vụ khó khăn và không ít thách thức. Ở Việt Nam, tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều tập tục lạc hậu của các dân tộc thiểu số vẫn duy trì, điển hình là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, bắt vợ, đẻ nhiều con. Báo cáo số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019 được UN Women (Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc tiến hành cho thấy: Tảo hôn vẫn chiếm tỷ lệ đáng lo ngại là 21,9%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số kết hôn cận huyết chiếm 5,6%. Tình trạng tảo hôn, thậm chí còn gia tăng ở một số địa bàn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra. Bên cạnh đó, trong ba quý đầu năm 2022, Ban Dân tộc tại một số tỉnh, thành phố cũng thừa nhận tình trạng tảo hôn có giảm nhưng còn chậm, chưa bền vững và đồng đều. Tại Cao Bằng, trong quý III/2022 có 8/10 huyện, thành phố không có tình trạng tảo hôn nhưng riêng hai huyện Hà Quảng và Bảo Lạc lại phát sinh 59 trường hợp.
Tảo hôn không phải là hủ tục duy nhất cho thấy tình trạng bất bình đẳng giới đang diễn ra tại cộng đồng 53 dân tộc thiểu số. Sau khi lập gia đình, người phụ nữ tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn phát sinh từ những tục lệ cổ hủ. Theo khảo sát gần đây của UNPFA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc) và Bộ Y tế, chỉ 11% số bà mẹ thuộc các dân tộc ít người tại 60 xã ở các tỉnh khó khăn nhất, đó là Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai được khám thai ít nhất bốn lần. Tỷ lệ bà mẹ sinh con tại các cơ sở y tế chỉ khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình cả nước là 96%. Xã nghèo Lùng Cải (Hà Giang) vẫn có hơn 75% số thai phụ sinh đẻ tại nhà. Tập quán sinh nhiều con và thích con trai cũng trực tiếp tạo ra mối nguy hiểm thường trực đối với sức khỏe, tính mạng của bà mẹ và trẻ em người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh rào cản từ các định kiến cũ, thách thức của công tác bình đẳng giới còn đến từ khoảng cách địa lý, địa hình hiểm trở và giao thông không thuận lợi. Ở thời điểm hiện tại, phần lớn trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có cơ hội học tiểu học tại các điểm trường gần nhà. Tuy nhiên ở các cấp học cao hơn, các em bắt buộc phải di chuyển một chặng đường dài để đến lớp. Thống kê cho thấy đến nay, trẻ em của 14 dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái vẫn phải vượt quãng đường từ 20km đến hơn 50km đường rừng núi nguy hiểm để đến trường trung học phổ thông. Như trẻ em Ơ Đu (Nghệ An) phải vượt 52,2km mới đến được điểm trường. Học vấn thấp dẫn đến hệ quả phụ nữ người dân tộc thiểu số khó có cơ hội nhận được công việc ổn định, thu nhập cao khi chỉ có 8,9% lực lượng lao động nữ người dân tộc thiểu số đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên. Thực tế, 76,4% số lao động nữ người dân tộc thiểu số phải làm việc trong các môi trường nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại. Trường hợp, phụ nữ người dân tộc thiểu số là nạn nhân của tội phạm mua bán người và lao động cưỡng bức thời gian qua đã dấy lên hồi chuông báo động trong toàn xã hội.
Việt Nam luôn xác định thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số là một nội dung quan trọng, cần được ưu tiên thực hiện, góp phần bảo đảm quyền con người trong xã hội. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những động thái quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng chính sách, chương trình về vấn đề này bao gồm: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật Lao động 2019, Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021)… Hệ thống văn bản nêu trên đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng nhằm khẳng định, bảo vệ và phát huy vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội Việt Nam hiện đại.
Trong một vài năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đã tích cực hoạch định đường lối, chính sách riêng, phù hợp phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số. Một số chính sách đã phát huy những tín hiệu tích cực khi triển khai trong đời sống như: Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025" (Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015); đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025" (Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017), Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021), Chương trình truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Quyết định số 849/QĐ-UBDT ngày 14/11/2021). Bên cạnh đó, nội dung bình đẳng giới cũng được lồng ghép trong nhiều chương trình quan trọng của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022).
Như vậy, các chính sách hiện nay về cơ bản khẳng định vấn đề bình đẳng giới phải được bao trùm lên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế đến văn hóa thông tin trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các mục tiêu, nhiệm vụ với phương hướng, giải pháp về nâng cao bình đẳng giới được Đảng, Nhà nước đề ra. Nhưng ở chiều ngược lại, chúng cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cơ sở vốn chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng trình độ và am hiểu về văn hóa, tập quán, tiếng nói của các cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Ngoài ra, vấn đề quản lý, giải ngân và sử dụng ngân sách dành cho công tác bình đẳng giới cũng rất đáng lưu tâm, đặc biệt với một số lĩnh vực khó có thể đo lường chính xác về chất lượng, hiệu quả như văn hóa và thông tin. Không chỉ vậy, nhiều nội dung của các chương trình, đề án chưa phù hợp nhiệm vụ chi của từng địa phương, dẫn đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Điều này vừa gây ra rào cản cho các địa phương trong việc tiếp nhận nguồn vốn để thực thi công tác bình đẳng giới, đồng thời tạo thời cơ cho một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí tung ra luận điệu Nhà nước Việt Nam chỉ "giỏi làm chính sách, chủ trương trên giấy". Thêm vào đó, phải cẩn trọng trước các hành vi cổ xúy bất bình đẳng giới núp bóng nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Cùng với đó, để hiện thực hóa các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và nâng cao vị thế người phụ nữ ở các dân tộc thiểu số, cần có sự hỗ trợ, đồng thuận, giúp sức của các gia đình, cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ở đây, tiếng nói của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đóng một vai trò quan trọng đến sự thành công của chính sách. Bởi vậy cần tích cực hơn nữa trong công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho những bậc cao niên, có vị trí, tầm ảnh hưởng trong cộng đồng. Đây vốn là một công tác đã được triển khai trong một thời gian dài và thu về những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm hạn chế như nội dung giảng dạy còn trừu tượng, ít trực quan, thiếu sinh động khiến người học khó tiếp thu và ứng dụng; địa điểm tổ chức khóa học còn chưa thuận tiện cho việc đi lại, nhất là khi đối tượng hướng đến là người cao tuổi. Các chế độ, chính sách hỗ trợ cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn chỉ mang tính tượng trưng, động viên, trong khi khối lượng công việc mà họ phải gánh vác lại tương đối lớn. Do đó, mỗi địa phương cần quan tâm, có những chính sách thỏa đáng với lực lượng nòng cốt này.
Dẫu còn một vài hạn chế, không thể phủ nhận Việt Nam đã và đang làm tốt các chính sách về bình đẳng giới, từng bước nâng cao vị thế của người phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số trong gia đình, cộng đồng, xã hội. Năm 2022, dù điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng bốn bậc so với năm 2021, trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến rõ rệt. Tuy mới được triển khai, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã đạt 6/20 chỉ tiêu cơ bản. Nhiều chỉ tiêu khác có thể sớm hoàn thành vào năm 2025. Từ những thành tựu đạt được, các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương vẫn cần phải đẩy mạnh công tác bình đẳng giới để phụ nữ và trẻ em gái của tất cả 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam luôn được bảo đảm, giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng cũng như phát triển, phát huy các giá trị, vai trò của mỗi cá nhân.