Xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư
Bí thư Huyện ủy Thuận Nam Châu Thanh Hải. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Phóng viên: Đồng chí cho biết những kết quả triển khai xây dựng Thuận Nam trở thành huyện trọng điểm kinh tế phía nam của tỉnh đến thời điểm này như thế nào?
Bí thư Huyện ủy Thuận Nam Châu Thanh Hải: Ngày 11/1/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận khoá 14 ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành kế hoạch số 100 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và đã đạt một số kết quả nhất định.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tại huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) được đầu tư đồng bộ, hiện đại, theo hướng liên thông và đa mục tiêu. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Theo đó, huyện Thuận Nam đã huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, theo hướng liên thông và đa mục tiêu, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, cảng biển.
Đến nay, một số dự án đã và đang triển khai thi công và đưa vào khai thác, sử dụng, như: Dự án Đường bộ cao tốc bắc-nam, đoạn qua địa bàn huyện đã hoàn thành; Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná gồm 18 bến cảng, trong đó, có 11 bến hàng rời, tổng hợp, container và 7 bến hàng lỏng/khí, có thể đón tàu hàng rời có trọng tải đến 300.000 DWT và đón tàu tổng hợp, container, hàng lỏng, khí hoá lỏng LNG có trọng tải đến 100.000 DWT và lớn hơn.
Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 đã xây dựng hoàn thành và đã đón tàu có trọng tải lớn hơn 50.000 tấn cập cảng bốc hàng hóa xuất khẩu sang Singapore trong tháng 8/2024. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Đến nay, Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 do Công ty cổ phần Đầu tư-Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư hơn 5.626 tỷ đồng, xây dựng trên tổng diện tích quy hoạch hơn 85,52ha đã hoàn thành, đủ điều kiện tiếp nhận tàu trong nước và quốc tế và đã khai thác vào tháng 5/2023, hiện chủ đầu tư đang thực hiện bến 1B.
Cùng với đó, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, như: Dự án đường Văn Lâm-Sơn Hải đã thi công đạt hơn 90% khối lượng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong quý IV/2024; Dự án Đường nối cao tốc bắc-nam với Quốc lộ 1A và Cảng biển tổng hợp Cà Ná có chiều dài 14,7km, trong đó, dự án thành phần 1 (đoạn nối từ đường cao tốc bắc-nam với Quốc lộ 1 dài khoảng 10,136km), đã thi công khoảng 60% giá trị hợp đồng, dự án thành phần 2 do Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Trung Nam tài trợ đã bắt đầu triển khai thi công lại từ tháng 10/2023, đến nay, đã phát quang và đào bóc phong hóa nền đường với chiều dài khoảng 1,4km.
Hiện, cũng đã có 20 dự án năng lượng với tổng công suất 1.512MW (Điện mặt trời 15 dự án, điện gió 5 dự án) đã vận hành thương mại.
Khu công nghiệp Phước Nam đang hoàn thiện đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 (151ha/370ha), đã thu hút được 14 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký 572 tỷ đồng; Khu công nghiệp Cà Ná (827ha) đã phê duyệt quy hoạch phân khu và đang trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 (378/827ha), đồng thời, đã và đang hình thành 10 cụm công nghiệp với diện tích đến năm 2025 hơn 461ha, đến năm 2030 là 516,1ha và sau năm 2030 là 532,8ha.
Theo phê duyệt Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, huyện đang triển khai Dự án Khu đô thị Đầm Cà Ná do Công ty Cổ phần ACT Holdings làm chủ đầu tư với tổng diện tích 64,46ha, tổng mức đầu tư hơn 4.490 tỷ đồng, đã khởi công xây dựng dự án từ tháng 7/2023 đến nay.
Nhiều dự án du lịch trên địa bàn huyện đang được các chủ đầu tư triển khai xây dựng, có 2 khu du lịch đi vào hoạt động là Khách sạn Hòn Cò-Cà Ná (thuộc Công ty Hoàn Mỹ); Du lịch Tanyoli (thuộc Công ty Cổ phần Sơn Hải).
Trên địa bàn huyện còn có 9 dự án nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả, nổi bật như: Công ty Cổ phần 3CC Incoge Pomelo 100 (Công ty Việt Úc), trồng 30ha bưởi da xanh tại khu vực hồ Suối Lớn, xã Phước Ninh; Công ty Seagull ADC Ninh Thuận đầu tư nhà màng trồng 15ha cây dưa lưới và hơn 50ha các loại cây trồng khác như: Nhãn, xoài và chà là.... ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Dinh, góp phần cho huyện có 27 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao, 6 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 19 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, Thuận Nam đã hình thành và phát triển 3 tiểu vùng, gồm: Tiểu vùng công nghiệp đô thị-du lịch-dịch vụ-năng lượng-cảng biển nằm trên địa bàn các xã Phước Nam, Phước Minh, Cà Ná và Phước Diêm để tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và phụ trợ, các ngành năng lượng (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG), cảng biển tổng hợp gắn với trung tâm logistic, cảng biển nước sâu gắn với kinh tế hàng hải; tiểu vùng nông nghiệp công nghệ cao nằm trên địa bàn xã Phước Dinh, Phước Ninh, Nhị Hà, tập trung phát triển sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao và cây trồng ứng dụng công nghệ cao như: bưởi, dưa lưới, mãng cầu, măng tây xanh và tiểu vùng bảo tồn nằm trên địa bàn các xã Phước Dinh, Phước Diêm, Nhị Hà, Phước Minh, tập trung phát triển rừng, giá trị kinh tế dưới tán rừng, nâng cao giá trị phòng hộ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Huyện đã kêu gọi đầu tư các ngành, lĩnh vực cho phù hợp từng tiểu vùng.
Với lợi thế về ngư trường, nguồn lợi hải sản dồi dào, ngư dân huyện Thuận Nam khai thác hàng nghìn tấn hải sản/năm, tăng cao thu nhập, đời sống ngày càng cải thiện. (Ảnh:NGUYỄN TRUNG) |
Năm 2022, huyện đã đạt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, năm 2023 đạt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 71,4% (5.000 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng); thu ngân sách Nhà nước đạt 96% (85,279/91,4 tỷ đồng); 2 chỉ tiêu về quốc phòng-an ninh đều đạt.
Phóng viên: Thưa đồng chí! Đâu là những khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong triển khai thực hiện mục tiêu?
Bí thư Huyện ủy Thuận Nam Châu Thanh Hải: Bên cạnh các lợi thế cũng có một số khó khăn, như: Kết kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, một số khu, cụm công nghiệp phát triển chậm; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thiếu lao động và nhân lực chất lượng cao; chậm đầu tư hạ tầng truyền tải để giải tỏa công suất truyền tải nguồn điện liên vùng; công tác quản lý quy hoạch (xây dựng, đất đai, lâm nghiệp...), quản lý đất đai còn nhiều hạn chế. Chậm triển khai lập các quy hoạch phân khu thuộc Đồ án Quy hoạch Khu du lịch dải ven biển phía nam của tỉnh.
Nỗ lực vượt khó để hoàn thành mục tiêu
Phóng viên: Địa phương đã có những giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc trên như thế nào?
Bí thư Huyện ủy Thuận Nam Châu Thanh Hải: Những năm qua, Thuận Nam rất chú trọng công tác nâng cao sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng và tài nguyên khoáng sản, môi trường để giải quyết tốt công tác thu hồi giải phóng mặt bằng cho các dự án, sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị, nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền Nghị quyết 15- NQ/TU, ngày 11/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa 14; Kế hoạch số 100-KH/HU, ngày 15/4/2022 của Ban Thường vụ huyện ủy và các văn bản của cấp trên về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh cho toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn được biết để tạo đồng thuận, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025.
Cùng với đó, triển khai lập các quy hoạch theo kế hoạch năm 2024 và năm 2025, đồng thời phối hợp Sở Xây dựng, Sở Công thương,...thực hiện lập các quy hoạch phân khu thuộc Đồ án Quy hoạch Khu du lịch dải ven biển phía nam của tỉnh và Đồ án Quy hoạch Đô thị Cà Ná.
Địa phương đang khẩn trương hoàn thành trong năm 2024 đối với các dự án, như: Dự án đường Văn Lâm-Sơn Hải; Dự án Đường nối cao tốc bắc-nam với Quốc lộ 1A và Cảng biển tổng hợp Cà Ná; đồng thời tiến hành các thủ tục để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường 709; đường nối Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam với đường Văn Lâm-Sơn Hải và tuyến đường nối từ Trung tâm hành chính huyện đến Khu công nghiệp Cà Ná để bảo đảm giao thông kết nối.
Dự án đường Văn Lâm-Sơn Hải, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) dự kiến hoàn thành trong quý IV/2024 tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông kết nối với Quốc lộ 1A và đường cao tốc bắc-nam. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Huyện Thuận Nam tích cực phối hợp các ngành, EVN và chủ đầu tư khẩn trương đưa các công trình hạ tầng truyền tải đi vào vận hành để giải toả hết 100% công suất các dự án, các công trình điện, như: Trạm 500kV và đường dây đấu nối 500kV và 220kV Thuận Nam (đây là dự án đầu tiên do nguồn lực xã hội đầu tư); Trạm 220kV Ninh Phước và đường dây 220kV đấu nối; Đường dây 220kV mạch kép Trạm 220kV Ninh Phước đấu nối Trạm 500kV Thuận Nam; Tuyến đường dây 110kV mạch 2 Ninh Phước-Tuy phong-Phan Rí (Bình Thuận); Tuyến đường dây 110kV đấu nối Dự án Điện gió 7A; Đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam với đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong-Nhiệt điện Vĩnh Tân;....
20 dự án năng lượng điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 1.512MW được đầu tư trên địa bàn huyện Thuận Nam đã vận hành thương mại, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh Ninh Thuận cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Phóng viên: Địa phương có kiến nghị gì đối với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận hoặc Trung ương trong việc tháo gỡ vướng mắc, để Thuận Nam sớm trở thành huyện trọng điểm kinh tế phía nam của tỉnh?
Bí thư Huyện ủy Thuận Nam Châu Thanh Hải: Với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn năm 2021-2023 đạt 8%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 50,75%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 là 42 triệu đồng/người, đạt 32,3%... là chưa đạt được mục tiêu đặt ra so với Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 100 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện giai đoạn 2021-2025.
Do đó, địa phương mong muốn Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận sớm bố trí nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng tuyến đường 709, đầu tư, nâng cấp hệ thống tiêu lũ từ Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam và Khu công nghiệp Phước Nam; đầu tư đường nối Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam với đường Văn Lâm-Sơn Hải và tuyến đường nối từ Trung tâm hành chính huyện đến Khu công nghiệp Cà Ná.
Cùng với đó, tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành quy hoạch phân khu để triển khai thực hiện đối với các đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía nam tỉnh Ninh Thuận đến năm 2035 và Quy hoạch chung xây dựng đô thị Cà Ná, huyện Thuận Nam đã được phê duyệt, đồng thời, tiến hành điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Cà Ná và Quy hoạch Khu du lịch dải ven biển phía nam của tỉnh đối với khu vực xã Phước Dinh và xã Phước Nam. Bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để sớm đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu các khu quy hoạch, nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển khu kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh.
Huyện đồng thời quan tâm kêu gọi và ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, nhất là các dự án trọng điểm như: Dự án LNG Cà Ná giai đoạn I quy mô 1.500 MW; Dự án tổng kho xăng dầu Cà Ná; Dự án cảng cạn và Trung tâm dịch vụ Logistics và các dự án du lịch ven biển; Dự án Hệ thống chuyển nước từ hồ Sông Than đến khu vực ven biển và Khu công nghiệp Cà Ná từ các nguồn vốn hợp pháp để bảo đảm nhu cầu cấp nước cho các dự án trọng điểm phía nam, đặc biệt là bảo đảm cung cấp nước cho phát triển công nghiệp và du lịch, đô thị ven biển… để tạo động lực cho Thuận Nam sớm trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía nam của Ninh Thuận.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.