Tham dự hội nghị có 38 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và 54 doanh nghiệp, Hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng đã giới thiệu khái quát vị trí địa lý, tiềm năng, lợi thế về giao thông đường sắt, đường bộ, đường hàng không và đường biển của các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ.
Riêng, Ninh Thuận là trục kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm trong nước và nước ngoài với những đặc trưng riêng, được ví là địa phương hội tụ rất nhiều những giá trị khác biệt; là tỉnh đang phát triển mạnh về năng lượng, năng lượng tái tạo; kinh tế biển; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch chất lượng cao.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng phát biểu khai mạc tại hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Phó Chủ tịch Trịnh Minh Hoàng nói: “Những năm qua, Ninh Thuận đã biến những khó khăn của nắng và gió thành lợi thế sản xuất nhiều sản phẩm đặc thù như: nho, táo, măng tây xanh, tỏi, nha đam.
Hiện, toàn tỉnh có đến 182 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, đây là thế mạnh cho Ninh Thuận phát triển theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động du lịch bằng cách đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và định hướng xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tham quan sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao của các doanh nghiệp Ninh Thuận sản xuất và trưng bày tại hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Theo thống kê năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam năm 2023 đạt 79,43 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam là 53,49 tỷ USD; nhập khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc là 25,94 tỷ USD.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của tỉnh Ninh Thuận cũng như các tỉnh, thành phố của khu vực Nam Trung Bộ.
Đặc biệt cho rằng, với cơ chế, chính sách thông thoáng của chính quyền các địa phương, sự chuẩn bị tốt và quyết tâm cao của các doanh nghiệp luôn sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu và tự tin kết nối, cùng liên kết sản xuất, mở rộng giao thương trong tương lai.
Doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận ký kết hợp tác giao thương tại hội nghị. (Ảnh; NGUYỄN TRUNG) |
Ông Jeon Do Hyun, Tổng Giám đốc điều hành dịch vụ kinh doanh Logistics OSAN, chia sẻ: “Các doanh nghiệp ở Ninh Thuận cùng các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và doanh nghiệp Hàn Quốc thể hiện sự tin tưởng với nhau và ký kết hợp tác là tín hiệu vui không chỉ của địa phương, doanh nghiệp hai bên mà còn nâng tầm quan hệ ngoại giao giữa Việt nam và Hàn Quốc lên tầm cao mới”.
Theo ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc, điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung khá rõ nét, cơ bản hàng hóa thương mại của 2 nước không trực tiếp cạnh tranh lẫn nhau.
Những năm qua, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc là các loại chip, máy móc thiết bị, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dược phẩm, đồng thời ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Hàn Quốc là hàng dệt may, các loại linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, máy móc, thiết bị, giày, dép, phụ tùng phương tiện vận tải, xơ, sợi dệt các loại.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng vui mừng hội nghị thành công tốt đẹp. (Ảnh:NGUYỄN TRUNG) |
Ông Trần Hải Linh nói: “Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam khá cao nhưng phần lớn vẫn là xuất thô chưa qua chế biến, cho nên sản phẩm chưa đa dạng và chưa đánh đúng vào thị hiếu và nhu cầu của “thị trường điểm đến”.
Các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam vẫn còn có những điểm cần phải cải thiện để bảo đảm chất lượng xuất khẩu ổn định.
Các thủ tục làm việc giữa Việt Nam và Hàn Quốc khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ còn có những vướng mắc, khó khăn nhất định.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng gặp phải một số khó khăn, như: Khó tìm kiếm được đối tác cung ứng thích hợp, phù hợp với lĩnh vực, ngành hàng mong muốn để có thể tiến đến hợp tác lâu dài.
Do đó, đây là cơ hội vàng cho doanh nghiệp hai bên cùng tháo gỡ khó khăn để vươn lên tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có”.
Dịp này, các doanh nghiệp hai nước đã ký kết 18 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, trong đó, Ninh Thuận 15 lượt, Khánh Hòa 1 lượt, Bình Định 2 lượt, chủ yếu là những ký kết sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản, như: nho, táo, hành, nha đam, măng tây…