Căn cứ tình hình mực nước hồ Tả Trạch - hồ chứa lớn nhất trên lưu vực sông Hương, ngày 7/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế đã có có thông báo về lệnh vận hành hồ chứa Tả Trạch. Theo đó, tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tả Trạch vận hành điều tiết hồ Tả Trạch để tránh mưa lũ.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nên từ ngày 7/10 đến ngày 9/10, tại Thừa Thiên Huế xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng, tổng lượng mưa phổ biến cả đợt từ 150-300mm, có nơi từ 300-400mm. Dự báo từ nay tới 12/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, kết hợp với không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to.
Căn cứ tình hình mực nước hồ Tả Trạch vào lúc 7 giờ ngày 7/10 ở mức +26,81m (cao hơn mực nước đón lũ thấp nhất của hồ 1,81m) lưu lượng đến hồ 152m3/s, lưu lượng qua tuabin 80m3/s, mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long ở mức +0,41m thấp hơn mức +1,7m theo quy định, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tả Trạch (BAN 5) vận hành điều tiết hồ Tả Trạch.
Tỉnh đã yêu cầu điều tiết qua cống tháo sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 250-350m3/s, để hạ dần mực nước hồ về mực nước đón lũ thấp nhất +25m, đồng thời thường xuyên theo dõi mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long để điều chỉnh lưu lượng vận hành, bảo đảm mực nước tại trạm Kim Long không vượt theo quy định (mức +1,7m). Thời gian bắt đầu mở cửa cống tháo sâu từ lúc 14 giờ ngày 7/10.
Ngoài ra, để chủ động ứng phó với mưa lớn và nguy cơ ngập úng cục bộ vùng trũng, khu đô thị, sạt lở vùng núi, vùng gò đồi, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, chủ hồ đập triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở nhằm bảo đảm an toàn. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, bão lũ; bố trí biển báo, hướng dẫn an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn.
Chủ đầu tư đang thi công công trình xây dựng có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên, người lao động, rút toàn bộ công nhân ra khỏi vùng nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất. Khơi thông dòng chảy, bảo đảm an toàn phương tiện, thiết bị, vật tư thi công và bố trí biển báo, hướng dẫn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát công điện khẩn đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế; thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.
Theo đó, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế phải có phương án bảo đảm an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi. Chủ các công trình nhận chỉ đạo phải khẩn trương di chuyển người và phương tiện ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá.
Chính quyền các địa phương rà soát, có phương án sơ tán dân khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm ven biển, cửa sông, ven sông, ven suối; khu vực thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông); khu vực đèo Phú Gia (huyện Phú Lộc), khu vực A Lưới; sông Thượng Nhật - huyện Nam Đông; sông Tả Trạch đoạn qua xã Thủy Bằng (TP Huế); sông Bồ đoạn qua xã Phong An, xã Phong Sơn (huyện Phong Điền); phường Hương Vân, phường Hương Văn (thị xã Hương Trà); dọc các tuyến đường Quốc lộ 49 lên A Lưới, đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 71 qua Phong Điền, tỉnh lộ 14 qua Nam Đông, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; khu vực ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng… để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.