Thừa Thiên Huế ưu tiên khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó với mưa lũ

NDO - Ngày 16/10, các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương đã chủ trì cuộc họp giao ban với các Sở, ban ngành và chính quyền các địa phương về công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Thăm hỏi, động viên các hộ dân đang bị ngập nặng tại huyện Quảng Điền.
Thăm hỏi, động viên các hộ dân đang bị ngập nặng tại huyện Quảng Điền.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến cấp huyện do Bí Thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế chủ trì.

Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, cùng ảnh hưởng của rãnh thấp gây mưa lớn trên diện rộng, tại Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, trọng tâm trong ngày 14/10, tổng lượng mưa trung bình từ 500-600m, có nơi cao hơn như Nam Đông 802mm, Phú Lộc 752mm. Mực nước các sông đều trên báo động 3, tiệm cận đỉnh lũ năm 2020, ngập lụt diện rộng.

Hiện nay, lượng mưa giảm, mực nước triều cửa sông giảm nên mực nước các sông đang xuống nhưng còn chậm. Tổng lượng mưa trung bình từ 19 giờ ngày 15/10 và 7 giờ ngày 16/10 khoảng 50-100m, có nơi cao hơn như Rào Trăng 4 là 173mm, Tà Lương 130mm, Khe Ngang 120mm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Đức cho biết, những đợt mưa trước (ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru) các hồ đã tham gia cắt, giảm đỉnh lũ nên mực nước hồ đã dâng cao.

Trong suốt thời gian lũ từ 14 đến 15/10, các hồ đã vận hành với lưu lượng xả luôn nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nên đã cắt, giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du, và chuẩn bị ứng phó đợt không khí lạnh và bão sắp đến.

Hiện nay, các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.

“Các địa phương đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Do nước sông lên cao và ngập úng bởi cường suất mưa lớn, gây ngập cho nhà cửa ước tính có khoảng 19.918 nhà ngập, với độ sâu từ 0,3-0,8m tùy từng vùng và khu vực. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, bị cô lập. Toàn tỉnh có 37 điểm sạt lở. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố Huế đã tổ chức sơ tán di dời 3.687 hộ, 10.322 khẩu đến nơi an toàn”, ông Nguyễn Đình Đức cho biết.

Tại buổi họp, các địa phương đã chia sẻ những thông tin về tình hình mưa lũ trên địa bàn. Theo đó, huyện Quảng Điền đang là địa phương bị ngập nặng nhất, các đường trục thôn, trục xã đã bị ngập hoàn toàn, giao thông đã bị chia cắt ở các xã vùng thấp trũng như: Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phước, thị trấn Sịa. Ngoài ra, tại địa phương này có có một trường hợp bị chết do lật ghe.

Tại huyện Phú Lộc có nhiều điểm sạt lở nhất với 25 điểm, đặc biệt đoạn Quốc lộ 1 phía Nam hầm Hải Vân bị sạt lở (đã khắc phục xong lúc 12 giờ ngày 15/10); tại km901 trên đèo Hải Vân bị sạt lở khoảng 1.000m3 đất đá với chiều dài 60m, hiện đã khắc phục một phần.

Thừa Thiên Huế ưu tiên khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó với mưa lũ ảnh 1

Nhiều điểm sạt lở núi, đất đá tại huyện Phú Lộc hiện cơ bản đã khắc phục xong và đã thông tuyến trở lại.

Tuyến đường sắt đoạn qua đèo Hải Vân bị đất đá vùi lấp với chiều dài khoảng 30m, hiện ngành đường sắt đang tập trung khắc phục; tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan tại km15+500, đoạn qua xã Xuân Lộc bị sạt lở đất đá khoảng 20m3, chiều dài khoảng 20m (đã khắc phục một phần); tuyến Quốc lộ 49B qua xã Lộc Bình bị sạt lở khoảng 6.100m3 đất đá, vùi lấp tại 19 điểm (hiện đã khắc phục xong 19/19 điểm và đã thông tuyến Quốc lộ này).

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ hôm nay (16/10), bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ. Từ ngày mai (17/10), bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế.

Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo do mưa lớn nên có nguy cơ cao xảy ra ngập úng đô thị, đặc biệt là những tuyến đường thấp trũng và hệ thống thoát nước chậm ở thành phố Huế và các thị xã Hương Trà, Hương Thủy.

Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay, bão mới cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 90km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/h. Điều quan tâm hiện nay là lượng mưa, từ đây thời tiết có xu hướng tốt, lượng mưa giảm.

Thừa Thiên Huế ưu tiên khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó với mưa lũ ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì buổi họp giao ban với các Sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh.

Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tình hình mưa lũ đã qua thời điểm căng thẳng nhất, tuy nhiên tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. Đến thời điểm hiện nay đã qua thời điểm đỉnh lũ, trong công tác vận hành, điều tiết sẽ cố gắng hạ thấp mực nước sông. “Các địa phương cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, thậm chí phải tính đến phương án ngập lũ dài ngày”, ông Phương nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết: “Chúng tôi cố gắng nương theo hình thế của các điều kiện liên quan thì sẽ cố gắng giảm mực nước sông xuống. Tuy nhiên, không thể xuống nhanh được do triều cường vẫn đang còn lớn (mức triều còn trên 1,5m) và nước trên các hồ về đang còn tương đối. Có nhiều cách để đảm bảo sinh kế của người dân và các hoạt động khác của xã hội. Trong 3 ngày tới, các hồ chứa sẽ vận hành để nước sông giảm xuống, cùng với đó vẫn phải có dư địa để các hồ cắt lũ cho các đợt mưa tiếp theo”

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong công tác ứng phó mưa lũ, đồng thời nhấn mạnh cần hạn chế thấp nhất thiệt hại. “Việc vận hành hồ đập phải chủ động, đảm bảo an toàn. Cần tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong và sau lũ. Trong công tác hỗ trợ người dân nên tổ chức một số đội y tế cơ động và đặc biệt lưu tâm đến công tác di dân, đề phòng sạt lở”, ông Lê Trường Lưu chỉ đạo.