Đến cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở Thừa Thiên Huế, người phụ nữ 80 tuổi vuốt từng lá đơn, từng tấm phiếu nhận chuyển đơn kêu cứu của bà đến các cơ quan có thẩm quyền. Kèm với đó là hai bản án dân sự sơ thẩm số 73/2022/DS-ST ngày 12/12/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Huế và bản án Phúc thẩm dân sự số 13/2023/DS-PT ngày 7/6/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, rồi chậm rãi trình bày: Trước đây bà là cán bộ lâm nghiệp, được nhà nước hóa giá cho ngôi nhà ở số 14 kiệt 134 đường Nguyễn Huệ, phường Phú Nhuận, Huế.
Là phụ nữ độc thân không nơi nương tựa nên bà đã cho người cháu gái tên Trần Thị Lâm ở cùng. Sau này chị Lâm lập gia đình, đưa chồng là anh Nguyễn Trung Thành về sống chung. Trong thời gian chung sống, vợ chồng chị Lâm có đóng góp tiền và công sức xây dựng, sửa sang ngôi nhà trên mảnh đất bà Tâm làm chủ.
Tuy nhiên được một thời gian thì gia đình này lục đục, vợ chồng anh Thành chị Lâm thường lớn tiếng với bà Tâm để đòi quyền sở hữu nhà đất. Bà Trần Thị Tâm cho biết: “Hay tin tôi bị ung thư, cao huyết áp, Thành và Lâm kiếm chuyện gây gổ, chửi bới nhiều hơn. Đỉnh điểm là ép tôi ra khỏi nhà”.
Ông Trần Đình Hòa, Tổ trưởng dân phố nơi bà Tâm sinh sống xác nhận, ngôi nhà trước bà Tâm ở một mình. Đến năm 2008 thì có thêm vợ chồng Lâm và Thành đến ở cùng. Thời gian sau này phát sinh việc gây gổ, ồn ào vì tranh chấp ngôi nhà.
Để bảo vệ sức khỏe chữa bệnh, trước sự chứng kiến của hàng xóm, bà Trần Thị Tâm đã dọn áo quần sang ở nhờ nhà người cháu, đồng thời làm đơn gửi Tòa án nhân dân thành phố Huế để đòi lại nhà, đất của mình.
Qua hai phiên xét xử, Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều đã quyết định buộc ông Nguyễn Trung Thành và bà Trần Thị Lâm phải trả lại toàn bộ nhà, đất, vật kiến trúc tại nhà số 14 kiệt 134 đường Nguyễn Huệ, phường Phú Nhuận, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cho bà Trần Thị Tâm. Đồng thời cũng buộc bà Trần Thị Tâm thanh toán số tiền ông bà Trần Trung Thành, Trần Thị Lâm đã bỏ ra để sửa chữa, xây dựng trên thửa đất của bà Tâm là gần 600.000.000 đồng. Ông bà Nguyễn Trung Thành, Trần Thị Lâm được quyền lưu cư là ba tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực để tạo lập chỗ ở mới.
Kết thúc phiên phúc thẩm, đến ngày 3/1/2024 bà Tâm đã vay mượn, nộp toàn bộ số tiền hơn 600.000.000 đồng cho cơ quan thi hành án, trong đó có cả 10.000.000 đồng chi phí hỗ trợ di chuyển chỗ ở. Tuy nhiên cho đến nay, vợ chồng ông Thành bà Lâm vẫn chiếm giữ ngôi nhà. Bà Tâm đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Thiên và Chi cục Thi hành án thành phố Huế yêu cầu thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 13/2023/DS-PT ngày 7/6/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Bản án dân sự sơ thẩm số 73/2022/DS-ST ngày 12/12/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Huế, nhưng việc giải quyết của các cơ quan chức năng cũng chỉ dừng ở việc ra văn bản, quyết định rồi dừng, không thực hiện quyết định cưỡng chế mà không nói rõ lý do.
Bà Trần Thị Tâm cho biết, cuộc sống của bà đã bị đảo lộn nhiều năm qua. Ngoài thời gian điều trị nội trú tại Bệnh viện Trung ương Huế, bà ngủ nhờ tại nhà người quen. Gần đây người này đã đón mẹ già, cũng là một người ốm lên để chăm sóc nên hằng ngày bà phải ngủ nhờ ở ghế phòng khách, không bảo đảm sức khỏe để chữa bệnh, dưỡng già.
Là người già neo đơn, bản thân mang bệnh khó điều trị, bà Trần Thị Tâm cho biết là có nguyện vọng được đối xử bình đẳng, được cơ quan bảo vệ pháp luật bảo vệ, thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân thành phố Huế để được an cư, có những ngày thảnh thơi cuối đời.